Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) - Giống như “Vườn Tao Ngộ” của nhạc sĩ Nhật Hà (Khánh Băng), “Đêm Trao Kỷ Niệm” của nhạc sĩ Hùng Cường cũng nói về cuộc gặp gỡ giữa đôi trai gái thời chinh chiến. Nhưng có khác một điều.
Đó là trong “Vườn Tao Ngộ,” thời gian gặp nhau của đôi bạn tình bị giới hạn vì chàng trai đang thụ huấn tại quân trường. Còn trong “Đêm Trao Kỷ Niệm” thì họ lại có cả một đêm dài để trao nhau những kỷ niệm tuyệt vời trước lúc chàng trai lên đường “vào nơi gió cát,” đi theo tiếng gọi của non sông, với ước vọng một ngày về đoàn viên khi thanh bình trở lại cùng với lời nhắn nhủ ai chớ quên ai sau cái “đêm huyền diệu” đó: Nếu anh thiếu em trong đời, hẳn là thương nhớ biết bao nhiêu rồi…
“Còn đêm nay ta với mình đi vào tình yêu/ Để nhung nhớ đến trăm muôn chiều/ Mai mốt này cuộc đời quạnh hiu/ Xa nhau, xin nhớ ngày ban đầu xao xuyến/ Xin nhớ người mong chờ ưu phiền/ Xin nhớ đêm tiễn đưa êm đềm.”
Chỉ còn một đêm nay nữa thôi để chúng mình trao nhau tình yêu trọn vẹn bởi vì mai chúng ta sẽ mỗi người một nơi. Xa nhau để đôi mình sẽ thấm thía cho nỗi buồn hiu quạnh với lòng nhung nhớ khôn nguôi về biết bao kỷ niệm êm đềm xa xưa với đêm đưa tiễn anh đi êm đềm, dịu vợi trong niềm đau giã từ.
“Ngàn ngày xưa trong sách sử đến ngàn ngày sau/ Khi tổ quốc kêu lên tiếng sầu/ Đâu thiếu gì cảnh biệt ly nhau/ Ra đi, mang bóng hình của người con gái/ Trong bóng hình núi rộng sông dài/ Hai mến yêu gánh mỗi hình hài.”
Từ ngàn xưa, khi tổ quốc lâm nguy và người trai hùng phải lên đường ra đi để bảo vệ non sông thì đã có biết bao nhiêu cuộc chia tay, tiễn biệt lâm ly chứ đâu riêng gì cảnh ngộ của đôi ta. Ngày mai ra đi, tâm tư anh vẫn luôn vấn vương bóng hình em bên hình ảnh của quê hương dấu yêu. Em có biết chăng đôi vai anh nặng trĩu vì nợ nước khi sông núi nào riêng ai, gươm súng nào riêng ai và vì tình yêu em chất ngất lên cao?
“Ngày về, muôn lòng nở hoa/ Ngày về, thanh bình hoan ca/ Non nước một nhà tươi thắm mặn mà như tình đôi ta/ Ngô sắn đầy nhà/ Em bé cụ già vui bài tình ca/ Tưng bừng thiết tha.”
Nhưng em ơi, hãy gạt lệ trước nỗi sầu chia ly buồn tê tái mà nghĩ đến ngày anh về trong ca khúc khải hoàn, là khi đất nước tàn binh đao anh với em còn có nhau. Lúc đó, gia đình lại đoàn viên và mọi người thân yêu từ em bé đến cụ gia đều vui khúc hoan ca trong cuộc đời ấm no, hạnh phúc.
“Bàn tay âu yếm một bàn tay/ Làm sao nói hết giây phút này/ Thương tiếc thầm mộng đẹp rời tay/ Em ơi, xin nhớ ngày ta cùng sánh bước/ Khi phố phường lên ngập ánh đèn/ Đêm đổi trao luyến thương sau cùng.”
Rồi chúng mình sẽ âu yếm nắm lấy tay nhau trong phút giây hội ngộ tuyệt vời, ngậm ngùi nhớ tới những ngày buồn xa nhau, những chiều buồn ngồi một mình, nhìn mây trôi mênh mang đã qua đi mất rồi. Lúc đó, em sẽ âu yếm gợi nhắc cho anh biết bao kỷ niệm xa xưa khi đôi mình cùng dắt tay nhau dạo phố lúc màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng. Và làm sao chúng mình có thể quên được những kỷ niệm dấu yêu của đêm tiễn đưa sau cùng trước lúc anh lên đường làm nhiệm vụ của người trai thời loạn ly!
***
Qua “Đêm Trao Kỷ Niệm,” nhạc sĩ Hùng Cường nói lên hoàn cảnh rất phổ biến của các thanh niên, thiếu nữ miền Nam tự do thời chiến tranh chống quân xâm lược. Đó là, trước cảnh sơn hà nguy biến, đa số những người trẻ đều chấp nhận hy sinh tình riêng cho quyền lợi chung của đất nước, quê hương, một truyền thống đã có từ lâu trong lịch sử dân tộc khi các thế hệ cha, ông của họ cũng từng biết hy sinh cho đại nghĩa, “phép công là trọng, niềm tây sá nào” (“Chinh Phụ Ngâm,” Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm).
Thế rồi, chàng trai lên đường vì nước với đôi vai gánh nặng sơn hà, rồi lại còn đèo thêm tình cảm thương yêu người em gái nhỏ quê nhà, thành ra chỉ có mỗi một hình hài mà gánh luôn cả hai tình cảm mến thương trong lòng.
Nhưng chàng trai, tuy bịn rịn trước nợ nước, tình nhà, vẫn bằng lòng lên đường làm nhiệm vụ với non sông khi nghĩ đến ngày về hoan ca lúc đất nước đã thanh bình, thế nào rồi đôi lứa cũng sẽ đoàn viên, nên duyên trong ngày vui hạnh phúc. Và đêm trao kỷ niệm chính là đêm đôi trai gái trao nhau những yêu thương, gắn bó để cả hai cùng nhớ mãi phút giây cuối cùng bên nhau trước giờ ly biệt. Người con gái không quên dặn dò chàng trai hãy ghi nhớ mãi kỷ niệm tuyệt vời này mà giữ vẹn câu thề son sắt với nhau.
Từ nhạc phẩm “Đêm Trao Kỷ Niệm” tới ca khúc “Vườn Tao Ngộ,” sự thật đã rõ là nguyên cả một thế hệ trẻ tại miền Nam tự do thời Chiến Tranh Việt Nam đã hy sinh và cống hiến rất nhiều cho nền độc lập và tự do của nước Việt Nam Cộng Hòa, kể cả hạnh phúc riêng tư của mỗi một con người, với niềm hy vọng bờ cõi sẽ được vẹn toàn và đất nước thoát khỏi bị Cộng Sản hóa. Nhưng rồi niềm hy vọng đó đã tiêu tan thành mây khói khi Sài Gòn sụp đổ trước chiến thắng sau cùng của Cộng Sản Bắc Việt hồi Tháng Tư, 1975.
Rồi vẫn còn có cái gì đó rất mỉa mai trong ước vọng hòa bình chân thật của người dân miền Nam tự do, mà tiêu biểu là đôi trái, gái trong nhạc phẩm “Đêm Trao Kỷ Niệm.” Đó là cái “thanh bình hoan ca” mà họ khao khát dường như đã không hề đến sau ngày cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc. Thay vào đó là những chết chóc vào giờ thứ 25, hậu quả của những hận thù giũa đôi bên trong cuộc chiến, cùng những chia lìa vì các cuộc vượt biển tìm tự do và cảnh lưu đày trên quê nhà sau khi miền Nam bại trận dưới tay miền Bắc.
Hơn ai hết, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, có lẽ linh cảm được những gì sẽ diễn ra sau cái ngày đất nước hết chia đôi, tin rằng những người di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954 lại có dịp hân hoan trở về miền Bắc để nối lại tình quê hương sâu đậm ngày xưa qua lời nhạc “thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi” trong ca khúc “Anh Đi Chiến Dịch,” ra đời hồi đầu thập niên 1960.
Có lẽ người nhạc sĩ này cứ tưởng bở rằng chính miền Nam mới là kẻ sẽ giải phóng miền Bắc khỏi tay Cộng Sản. Dường như chỉ có những sĩ quan quân đội miền Nam Việt Nam có gốc gác từ miền Bắc mới thấm thía chữ “thầm” trong câu “thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi” khi họ bị đưa ra Bắc trên những đoàn xe bịt bùng và những con tàu bí mật để “đền tội ác trước nhân dân” trong những trại cải tạo nơi đèo heo, hút gió và chốn núi rừng thâm u, lạnh lẽo sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Nhạc sĩ Hùng Cường chào đời tại Hải Phòng ngoài Bắc nhưng quê ở Bến Tre trong Nam vì thân phụ là thủy thủ tàu viễn dương nay đây, mai đó. Hùng Cường là một ca sĩ, nhạc sĩ tân nhạc, nghệ sĩ cải lương, kịch sĩ, và diễn viên điện ảnh. Năm 1937, lúc mới được hơn 1 tuổi, gia đình ông quay về quê cũ ở Bến Tre sinh sống, rồi sau đó dọn lên Sài Gòn, nơi ông theo học Trường Trung Học Trần Hưng Đạo cho tới bậc Tú Tài.
Từ thập niên 1950, Hùng Cường đã nổi tiếng tại Sài Gòn là một ca sĩ hát nhạc tiền chiến và sau đó là nhạc tình cảm, loại nhạc mà ngày nay được gọi là nhạc boléro. Cùng với Duy Khánh, Chế Linh và Nhật Trường, Hùng Cường được xem là một trong “tứ trụ,” tức bốn giọng nam nổi tiếng nhất, của nền tân nhạc Việt Nam. Đầu thập niên 1960, Hùng Cường và nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền quay sang hát loại nhạc kích động, thổi vào nền âm nhạc miền Nam một luồng không khí mới.
Tuy khởi nghiệp là một ca sĩ tân nhạc, nhưng từ năm 1959 trở đi, Hùng Cường lại xuất hiện trên các sân khấu cải lương trong các vai chính và thành công vang đội.
Sau khi cộng tác với Đoàn Cải Lương Ngọc Kiều, Hùng Cường được giao thủ vai chính trong vở hát “Tuyết Phủ Chiều Đông” của soạn giả Bạch Yến Lan. Tuồng này được trình diễn tại rạp Viễn Trường ở Mỹ Tho, gặt hái thành công lớn lao chưa từng thấy.
Năm 1960, Hùng Cường cùng đoàn Ngọc Kiều trình diễn tiếp vở cải lương “Màu Tím Đèn Hoa Giấy” tại rạp Nguyễn Văn Hảo ở Sài Gòn.
Các vở cải lương thành công khác của Hùng Cường bao gồm “Nửa Đời Hương Phấn,” “Tướng Cướp Bạch Hải Đường,” “Tuyệt Tình Ca,” “Cô Gái Đồ Long”…
Đến thập niên 1960, sau ca nhạc và cải lương, người nghệ sĩ đa tài Hùng Cường lại bước sang lãnh vực điện ảnh, thủ vai chính trong các bộ phim lớn, như “Chân Trời Tím,” “Mãnh Lực Đồng Tiền” (đóng cặp với Mai Lệ Huyền), “Nắng Chiều,” “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang”…
Về lãnh vực âm nhạc, các sáng tác của Hùng Cường tính ra có đến trên 30 nhạc phẩm, trong đó được ưa chuộng nhất là các ca khúc “Đêm Trao Kỷ Niệm,” “Về Thăm Xứ Lạnh,” “Trăng Cam Ly,” “Tình Nào Hỡi Em,” “Cuộc Tình Buồn,” “Bi Đông Ơi Giã Từ,” “Mùa Xuân Cali”…
Sau năm 1975, Hùng Cường từng vượt biển đi tìm tự do nhiều lần nhưng đều thất bại. Cuối cùng, đến năm 1980, Hùng Cường mới đặt chân được đến Hoa Kỳ và định cư tại Nam California. Hùng Cường qua đời ngày 1 Tháng Năm, 1996, tại bệnh viện Fountain Valley ở Nam California, hưởng dương 60 tuổi. (Vann Phan) [qd]
Nhạc phẩm “Đêm Trao Kỷ Niệm” của Hùng Cường
Còn đêm nay ta với mình đi vào tình yêu Để nhung nhớ đến trăm muôn chiều Mai mốt này cuộc đời quạnh hiu Xa nhau, xin nhớ ngày ban đầu xao xuyến Xin nhớ người mong chờ ưu phiền Xin nhớ đêm tiễn đưa êm đềm Ngàn ngày xưa trong sách sử đến ngàn ngày sau Khi tổ quốc kêu lên tiếng sầu Đâu thiếu gì cảnh biệt ly nhau Ra đi, mang bóng hình của người con gái Trong bóng hình núi rộng sông dài Hai mến yêu gánh mỗi hình hài Ngày về muôn lòng nở hoa Ngày về, thanh bình hoan ca Non nước một nhà Tươi thắm mặn mà như tình đôi ta Ngô sắn đầy nhà Em bé cụ già vui bài tình ca Tưng bừng thiết tha Bàn tay âu yếm một bàn tay Làm sao nói hết giây phút này Thương tiếc thầm mộng đẹp rời tay Em ơi, xin nhớ ngày ta cùng sánh bước Khi phố phường lên ngập ánh đèn Đêm đổi trao luyến thương sau cùng.