Mụn thịt tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể nhưng lại thường xuất hiện ở những vị trí dễ chú ý, gây mất thẩm mỹ.
Bác sĩ Da liễu khuyên bệnh nhân nên sớm điều trị mụn thịt để tránh tình trạng mụn thịt lan sang các vị trí lân cận.
Mụn thịt là gì?
Mụn thịt một dạng u tuyến mồ hôi chứa đầy chất sừng. Theo thời gian, mụn thịt xuất hiện nhân mụn màu vàng hoặc trắng, nổi cộm trên da. Mụn thịt có chân mụn cắm sâu trong bề mặt da và không thể tự đào thải được.
Mụn thịt là loại u lành tính, không gây ra triệu chứng đau nhức hay gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, mụn thịt thường tồn tại lâu trên da khiến da sần sùi, mất thẩm mỹ.
Mụn thịt khá giống với mụn cơm, mụn cóc và hay bị nhầm lẫn.
Mụn thịt thường mọc ở đâu?
Mụn thịt thường xuất hiện ở các vị trí như mụn thịt ở cổ, vùng quanh mắt, trán, gò má, cổ, nách, ngực, bụng, cơ quan sinh dục. Mụn thịt thường có hình dạng bất thường và màu sắc trùng với màu da.
Mụn thịt có thể bị nhầm lẫn với một số dạng mụn khác. Mụn thịt là những nốt mụn nhỏ, kích thước 1-3mm, cùng màu với da hoặc hơi ngả vàng.
Mụn thịt không gây ra các triệu chứng viêm, sưng đỏ như mụn trứng cá mà thường lành tính, không gây ra cảm giác đau đớn. Trong một số trường hợp, mụn thịt có thể gây ngứa ngáy, nhất là khi đổ nhiều mồ hôi.
Nguyên nhân mụn thịt
Mụn thịt hình thành do nguyên nhân chính là sự rối loạn chuyển hoá dưới da, do các collagen và mạch máu bị mắc kẹt bên trong da hoặc sự cọ sát vào da. Thông thường, những đối tượng sau đây có nguy cơ bị mụn thịt:
- Nữ giới trong độ tuổi từ 25 trở đi
- Cha mẹ có mụn thịt
- Mắc bệnh lý đái tháo đường, hội chứng Down
- Người có màu da tối thường có khả năng mọc mụn thịt nhiều hơn người da sáng
Mụn thịt có tự biến mất hay không?
Trong một số ít trường hợp, mụn thịt có thể tự rụng mà không cần can thiệp. Mụn thịt tự biến mất sau khi mụn xoắn lại ở phần thân, làm gián đoạn lưu lượng máu đến chúng.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mụn không thể tự biến mất. Nếu để lâu không điều trị, mụn có thể lan rộng sang các vùng da lân cận, tạo thành đám gây mất thẩm mỹ.
Phòng tránh mụn thịt
Để tránh mụn thịt xuất hiện gây phiền toái, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh da mặt sạch sẽ bằng sửa rửa mặt dịu nhẹ 2 lần/ngày kết hợp với tẩy da chết định kì hàng tuần, nhất là những người thường xuyên trang điểm
- Bổ sung nước và các chất dinh dưỡng cần thiết để da luôn chắc khỏe, đảm bảo độ ẩm cho da, giúp cơ thể đào thải chất cặn bã, độc tố
- Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ vitamin và khoáng chất omega-3, omega-6 nhằm phòng tránh và đẩy lùi các tác nhân gây mụn thịt
- Hạn chế các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, các chế phẩm từ sữa vì các thực phẩm này chứa nhiều chất béo có thể dẫn tới tắc nghẽn mạch máu
- Thường xuyên tập luyện thể dục để giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng
Điều trị mụn thịt
Điều trị mụn thịt phụ thuộc vào tính chất da (da khô, da bình thường, da dầu) và kết cấu mụn thịt.
Mẹo chữa mụn thịt bằng phương pháp thiên nhiên
Với tình trạng mụn nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng một số liệu pháp tự nhiên để điều trị trước khi đến thăm khám với các bác sĩ Da liễu.
Những phương pháp này thường đơn giản, an toàn nhưng cần kiên trì, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, những người có làn da nhạy cảm cũng cần cân nhắc nguyên liệu để tránh dị ứng khi áp dụng các phương pháp này.
- Tinh dầu tràm trà (Tea tree oil) giúp làm khô mụn thịt từ trong ra ngoài, đơn giản và không gây đau. Bạn có thể thấm tinh dầu ra bông tẩy trang và áp lên nốt mụn, xoa nhẹ theo hướng vòng tròn.
- Giấm táo có khả năng sát trùng, giúp loại bỏ các mô trong mụn thịt thừa và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây ngứa da. Khi thoa, giấm táo có thể gây cảm giác châm chich nhẹ.
- Dầu kinh giới có tính kháng khuẩn, kháng viêm. Bạn có thể kết hợp dầu kinh giới và dầu dừa theo tỷ lệ 1:2, thoa lên mụn khoảng 3 lần/ngày. Khi sử dụng, mụn thịt có thể trở nên sẫm màu hơn, chuyển về gần màu đen trước khi rụng. Không nên sử dụng bài thuốc này ở những khu vực nhạy cảm như mắt, bộ phận sinh dục.
- Dầu thầu dầu có tính kháng khuẩn giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và bảo vệ cơ thể khỏi vi-rút. Bạn có thể trộn dầu thầu dầu và bột nở, sử dụng 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 phút hoặc dùng urgo đắp lên mụn thịt khi đi ngủ.
- Nước cốt chanh có tác dụng khử trùng, phòng ngừa vi khuẩn. Nước cốt chanh chứa axit citric, giúp phân hủy các tế bào trong khối u da. Tương tự các phương pháp trên, bạn dùng nước cốt chanh thoa lên mụn thịt khoảng 3 lần/ngày đến khi mụn biến mất.
Nạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị mụn thịt tại nhà khác, tuy nhiên vẫn nên có sự tư vấn của bác sĩ Da liễu để đảm bảo an toàn.
Khi nào cần đi khám Da liễu điều trị mụn thịt
Trong các trường hợp sau, KHÔNG NÊN tự ý áp dụng các biện pháp dân gian hoặc tự điều trị mụn thịt tại nhà để điều trị mụn thịt:
- Mụn thịt ở gần các khu vực nhạy cảm như mắt, bộ phận sinh dục
- Mụn thịt lớn và dài
- Mụn gây đau, ngứa, chảy máu
- Mụn thay đổi tính chất hoặc hình dạng
- Da nhạy cảm, dễ phản ứng xấu khi sử dụng các chất lạ (axit,...)
Ngoài ra, nếu áp dụng các biện pháp điều trị mụn thịt từ thiên nhiên không có hiệu quả, mụn không rụng đi hoặc có dấu hiệu lan rộng sang các vùng da lân cận, bạn nên gặp các bác sĩ Da liễu để được tư vấn phương pháp điều trị mụn thịt phù hợp.
Một số phương pháp điều trị mụn thịt thường được áp dụng:
- Đốt mụn thịt
- Áp lạnh: Sử dụng nitrogen lỏng để làm đông cứng mụn thịt dư
- Thắt bằng chỉ phẫu thuật làm giảm máu nuôi đến mụn thịt
- Cắt bỏ mụn thịt
Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý xử lý mụn thịt bằng cách chích mụn bằng kim vì có thể gây ra sẹo xấu, thậm chí là viêm loét, nhiễm trùng, bội nhiễm,... khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Cách tốt nhất là bệnh nhân nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Da liễu để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
Mụn thịt không phải vấn đề đáng lo ngại vì không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Điều trị mụn thịt từ sớm sẽ tránh ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của bạn.