Chủ động tìm hiểu thông tin về bệnh, tiêm ngừa vắc xin ngừa HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC) định kỳ là cách giúp chị em bảo vệ sức bản thân và những người phụ nữ thân yêu xung quanh.
Thông tin trên được 3 vị chuyên gia chia sẻ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Tầm soát, dự phòng & điều trị sớm Ung thư cổ tử cung” tối ngày 23/03/2023 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 500.000 ca mắc mới và khoảng 250.000 ca tử vong do UTCTC. Riêng tại Việt Nam có khoảng 4.000 ca mắc mới và gần 2.200 ca tử vong, ước tính cứ mỗi 24 giờ trôi qua có 7 phụ nữ tử vong và 14 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, UTCTC là tình trạng xuất hiện bướu ác tính ở cổ tử cung. Cổ tử cung có hai loại tế bào, gồm tế bào vảy (dễ nhận biết) và tế bào tuyến (nằm sâu trong cổ tử cung nên khó nhận biết hơn). Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm 2022, thống kê có gần 12.000 bệnh nhân đến thăm khám phụ khoa, trong đó khoảng 30-35% phụ nữ tầm soát UTCTC, phát hiện khoảng ⅓ trong tổng số đã nhiễm HPV.
Có thể thấy, tỷ lệ nhiễm HPV trong độ tuổi hoạt động tình dục khá cao, khoảng 3-4% trường hợp có tổn thương xem như UTCTC, và khoảng 30% trường hợp là tiền UTCTC. Nhóm phụ nữ trẻ tuổi bị UTCTC cao nhất bởi chưa tiếp cận kiến thức về vắc xin ngừa UTCTC.
“Ung thư cổ tử cung nếu không được điều trị sẽ xuất hiện di căn, đầu tiên là di căn lân cận, sau đó là di căn xa. Trường hợp di căn xa, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ sống còn sau 5 năm dưới 5% mặc dù đã áp dụng các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị… bởi lúc này việc điều trị không còn ý nghĩa. Vì thế, phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác sẽ điều trị hiệu quả, giảm tổn thương do ung thư cổ tử cung”, bác sĩ Mỹ Nhi nhấn mạnh.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC cho biết, phần lớn chị em phụ nữ chưa có đủ kiến thức về vắc xin ngừa UTCTC, do đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng ngừa UTCTC bằng vắc xin.
Khảo sát trên những người bị UTCTC, 100% kết quả sinh thiết đều có sự hiện diện của virus HPV. Virus này không chỉ gây UTCTC, mà còn gây ung thư âm đạo, âm hộ, hầu họng, hậu môn, dương vật… Vì thế, hiện nay vắc xin phòng HPV không chỉ khuyến cáo tiêm ở nữ giới, mà còn khuyến cáo tiêm ngừa bảo vệ ở nam giới.
“Tại Việt Nam, không chỉ có bé gái mà nhiều bé trai đã tìm hiểu về vắc xin HPV. Tỷ lệ nhiễm HPV ở một đứa trẻ là 20% sau 4 tháng quan hệ tình dục lần đầu, tăng lệ 40% sau 26 tháng. Đối với các trường hợp đã nhiễm HPV từ lần quan hệ tình dục đầu tiên, đến 30 năm sau có thể tiến triển thành tế bào tiền ung thư, 40 năm sau đó có thể gây ung thư cổ tử cung. Vì thế, VNVC đã có vắc xin HPV cho cả nam giới và nữ giới để phòng ngừa ung thư cho trẻ sau 30-40 năm”, bác sĩ Chính chia sẻ.
Tâm lý chủ quan “trời kêu ai nấy dạ”, không dự phòng bệnh bằng vắc xin, không thăm khám sức khỏe định kỳ, không được tiếp cận với các kỹ thuật điều trị hiện đại… là nguyên nhân khiến số ca bệnh UTCTC ngày càng gia tăng và trẻ hóa về độ tuổi.
ThS.BS Kiều Lệ Biên, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, khoảng 30% trường hợp thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ phát hiện bất thường, trong đó khoảng 16,1% dương tính với HPV khiến chị em ngỡ ngàng, không nghĩ bản thân đang có dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư. Vì vậy, chị em cần yêu thương bản thân, lắng nghe những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, thăm khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống.
Khi thăm khám tầm soát UTCTC, bác sĩ sẽ thăm hỏi các triệu chứng và thông tin cần thiết như chị em đã có gia đình hay chưa, tiền sử thực hiện những tầm soát nào, thực hiện cách đây bao lâu… Nếu chưa tầm soát, bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em các xét nghiệm hiện có để chị em lựa chọn.
Bác sĩ Lệ Biên cho biết, tại Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang triển khai 3 xét nghiệm tầm soát UTCTC gồm:
- Phương pháp tế bào học (PAP nhúng dịch) có hiệu quả sàng lọc 50-70%, nếu kết quả âm tính, chị em cần quay lại sàng lọc sau 2 năm.
- Xét nghiệm HPV đơn thuần nhằm tìm kiếm sự hiện diện của virus HPV, nếu kết quả âm tính, chị em cần quay lại xét nghiệm sau 3 năm.
- Bộ đôi Co-testing (kết hợp PAP và HPV) tăng khả năng sàng lọc lên đến 90-92% để phát hiện những tế bào bất thường, xem chị em có đang nhiễm HPV hay không.
Dưới đây là phần giải đáp của 3 vị chuyên gia trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
1. Yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Thưa bác sĩ, những yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh UTCTC là gì ạ? Gen di truyền, tuổi tác, khu vực sống, nghề nghiệp hay thực phẩm… có được xem là những yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ dễ mắc bệnh ung thư này không?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Theo các y văn, các yếu tố nguy cơ gây UTCTC được nhắc đến là hút thuốc lá, tình trạng suy giảm miễn dịch, người phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng thuốc tránh thai làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể…
Thức ăn, thời tiết hoặc môi trường không gây UTCTC, tuy nhiên yếu tố gen di truyền là có. Đối với những người phụ nữ có gen gây ung thư, một phần nhỏ những người sẽ có bệnh ung thư khác nhau, cũng có nguy cơ gây UTCTC. Tuy nhiên cần thêm bằng chứng về gen để biết rõ mức độ nguy cơ.
Yếu tố nguy cơ cần được nhấn mạnh có liên quan đến virus HPV. Tuy nhiên, ở những bé gái chưa xảy ra hoạt động tình dục có thể bị UTCTC do nhiễm HPV hoặc không do nhiễm HPV bởi có một số yếu tố nguy cơ khác, nhưng tỷ lệ này rất nhỏ. Vì thế, khi bé gái có bất kỳ bất thường nào trong cơ thể, nhất là bé gái trong độ tuổi dậy thì 13-14 tuổi như chảy máu âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường… cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra xem các rối loạn, bệnh sử nếu có để có hướng can thiệp đúng lúc và hiệu quả.
2. Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung có tiêm cho nam giới được không?
Em nghe nói vắc xin phòng UTCTC chỉ tiêm cho nữ giới, đặc biệt là các bạn chưa quan hệ tình dục. Nhưng gần đây đọc báo em thấy vắc xin có thể tiêm cho cả nam giới và phụ nữ đã có quan hệ tình dục rồi. Em không biết thông tin em đọc có đúng không, hay là đã có sự điều chỉnh gì về loại vắc xin? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em độ tuổi nào có thể bắt đầu tiêm vắc xin? Tiêm vắc xin ở nữ hay cả nam và nữ? Phác đồ tiêm như thế nào?
BS.CKI Bạch Thị Chính: Trước đây, vắc xin phòng UTCTC chỉ ưu tiên tiêm ở nữ giới. Từ năm 2009 trở đi, FDA đã khuyến cáo tiêm vắc xin cho cả nam và nữ. Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng VNVC đã có Gardasil 4 - vắc xin phòng 4 chủng và Gardasil 9 - vắc xin phòng 9 chủng.
Độ tuổi khuyến cáo tiêm vắc xin là 9-26 tuổi. Gardasil 9 có thể tiêm cho cả nam giới và nữ giới. Việc khuyến khích tiêm vắc xin sớm vì nghiên cứu cho thấy HPV không chỉ lây truyền qua đường tình dục. Nghiên cứu khảo sát ở những đứa trẻ chưa quan hệ tình dục ở độ tuổi 15-16 tại Bắc Mỹ cho thấy, hơn 50% trường hợp đã có HPV trong âm đạo. Tại Việt Nam, khoảng 50% trẻ nam có thể quan hệ tình dục từ năm 14 tuổi. Các loại ung thư do HPV gây ra (âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng, dương vật…) từ quá trình viêm nhiễm lâu dài và tái nhiễm nhiều lần. Vì thế, nếu trẻ được tiêm ngừa sớm sẽ sinh ra miễn dịch sớm, từ đó bảo vệ trẻ đầy đủ và chắc chắn hơn.
Ở những người đã quan hệ tình dục, nguy cơ nhiễm HPV là 20% sau 4 tháng, 45% sau 26 tháng. Khoảng 5% nam giới nhiễm ít nhất 1 type trong 9 type vắc xin phòng HPV, ở nữ giới là 18%. Khả năng đào thải virus HPV ở nam giới kém hơn nữ giới 26%. Vì vậy, FDA đã mở rộng đối tượng tiêm ngừa, cả nam giới và nữ giới đều nên tiêm ngừa, từ đó sẽ giảm tỷ lệ mắc UTCTC.
3. Tiên lượng điều trị ung thư cổ tử cung ở mỗi giai đoạn như thế nào?
Tôi 41 tuổi, từng đốt viêm cổ tử cung 2 năm và có kết quả viêm cổ tử cung mạn tính, dị sản vảy, nang naboth cổ tử cung. Một năm nay tôi chưa đi khám lại, hiện tại tôi bị đau tức ở bụng dưới, không biết có tiến triển thành ung thư hay không? Nếu UTCTC thì điều trị như thế nào và tiên lượng hiệu quả điều trị ở mỗi giai đoạn ra sao?
ThS.BS Kiều Lệ Biên: Không biết chị đã làm tầm soát UTCTC hay chưa, vì nhược điểm của phương pháp đốt điện hoặc đốt lạnh cổ tử cung là vùng chuyển tiếp dễ xảy ra những bất thường, khiến cổ tử cung có thể bị tụt ngược vào trong gây khó khăn khi quan sát. Vì vậy, chị em chỉ nên đốt cổ tử cung khi có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Cách điều trị UTCTC sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn phát hiện ung thư, loại ung thư, độ tuổi bệnh nhân, bệnh sử bệnh nền, mong muốn sinh nở… Mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị riêng dựa trên những yếu tố này. Với ung thư tại chỗ, nếu phát hiện sớm, khả năng chữa thành công lên đến 95-98%.
4. Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không?
Bác sĩ cho em hỏi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có những phương pháp tầm soát UTCTC nào? Tầm soát UTCTC có đau không? Ai nên tầm soát sớm và những lưu ý cần biết trước và sau khi tầm soát là gì?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Đối với nhóm phụ nữ đã có hoạt động tình dục, từ 30-50 tuổi, khuyến cáo cần thực hiện xét nghiệm bộ đôi PAP và HPV để tăng khả năng phát hiện tổn thương cổ tử cung khoảng 90%. Hiện nay, ở các cơ sở y tế địa phương vùng sâu, vùng xa chưa có kỹ thuật tốt như PAP hoặc xét nghiệm bộ đôi, nhưng sẽ có những phương pháp tầm soát tạm thời vẫn có thể chấp nhận được.
Hiện tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM triển khai tầm soát UTCTC bằng PAP nhúng dịch, hoặc HPV, hoặc phối hợp PAP và HPV.
Khi thực hiện tầm soát UTCTC, chị em cần lưu ý những điều sau:
- Thời điểm thăm khám sau khi đã có kinh, trong vòng 24 giờ trước đó không được có bất kỳ tác động nào lên âm đạo, không quan hệ, không dùng thuốc, không thụt rửa âm đạo hoặc bất cứ việc làm gì làm thay đổi hiện trạng cổ tử cung.
- Việc tầm soát UTCTC không hề gây đau đớn, chỉ thấy một xíu máu do dụng cụ chổi silicone quét lên cổ tử cung. Chị em không cần quá lo lắng vấn đề này, bác sĩ Sản khoa sẽ có tư vấn đầy đủ trước khi thực hiện.
- Sau tầm soát, chị em vẫn có thể thực hiện mọi hoạt động sinh hoạt bình thường. Nếu bị ra huyết, chị em nên quan hệ tình dục sau 24-48 giờ để tránh viêm nhiễm và mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Trường hợp bị viêm nhiễm, bác sĩ sẽ đặt thuốc và không nên quan hệ tình dục trong khoảng thời gian đó.
Mẫu xét nghiệm được xử lý bởi máy móc hiện đại và các bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ đọc kết quả về PAP, chị em cần chờ thông báo của bệnh viện:
- Nếu kết quả bình thường, kết quả sẽ được gửi qua các phương tiện như email, zalo…
- Nếu kết quả bất thường trên tế bào hoặc dương tính với HPV, bác sĩ sẽ gọi điện thông báo trực tiếp để hẹn gặp lại chị em tại bệnh viện để soi cổ tử cung, kiểm tra tình trạng cổ tử cung hiện tại dưới sự phóng đại của máy soi, tiến hành lấy mẫu mô sinh thiết để xem có tổn thương hay không, mức độ như thế nào, có đáng lo ngại hay không.
5. Sau khi tiêm vắc xin phòng HPV có được quan hệ tình dục không?
Người đã nhiễm virus HPV có cần thiết tiêm vắc xin phòng HPV nữa hay không? Sau khi tiêm HPV có cần kiêng quan hệ tình dục không? Và việc quan hệ tình dục sau tiêm có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin hay không?
BS.CKI Bạch Thị Chính: Thực tế, HPV có nhiều type, chưa chắc bạn đã nhiễm hết tất cả các type, mặc dù HPV có khả năng tái nhiễm. Việc tiêm ngừa HPV không nhằm mục đích điều trị tình huống nhiễm HPV ở lần đó, mà để bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm ở các lần quan hệ tình dục sau. Vì thế, nếu đã nhiễm HPV vẫn nên tiêm vắc xin để cơ thể có kháng thể chống lại những type HPV có trong vắc xin.
Việc quan hệ tình dục sau tiêm vắc xin vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên, nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh như quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy 1 vợ 1 chồng. Theo thống kê, khi chưa tiêm vắc xin, xác suất nhiễm HPV trong suốt cuộc đời ở nam giới là 91%, ở nữ giới là 84% nếu quan hệ chung thủy. Nếu có nhiều bạn tình, nguy cơ nhiễm HPV tăng gấp 2-3 lần. Vì thế, cả nam giới và nữ giới đều nên tiêm vắc xin.
6. Viêm lộ tuyến cổ tử cung có gây ung thư cổ tử cung không?
Viêm lộ tuyến có gây UTCTC không? Điều trị dự phòng HPV ở những trường hợp này như thế nào? Có phải phụ nữ thường xuyên viêm nhiễm cổ tử cung sẽ có nguy cơ UTCTC cao hơn không?
ThS.BS Kiều Lệ Biên: Viêm lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng lành tính, không phải ung thư. Tình trạng viêm nhiễm quá nhiều, phải điều trị thường xuyên hoặc người bệnh có những triệu chứng khó chịu như tiết dịch nhiều… bệnh nhân có mong muốn đốt tuyến dịch. Tuy nhiên, việc làm này vô tình khiến phần tiếp giáp giữa tuyến và tế bào lát - nơi chuyển đổi tế bào lùi ngược vào trong dẫn đến việc quan sát gặp khó khăn.
Cần khẳng định viêm lộ tuyến cổ tử cung không gây UTCTC. Đa phần các trường hợp UTCTC là do virus HPV gây ra. Phương pháp dự phòng UTCTC cấp 1 là tiêm phòng, cấp 2 là tầm soát để phát hiện sớm virus HPV hay biến đổi tế bào, cấp 3 là giải quyết những tình huống mắc phải, ngăn không để ung thư diễn tiến nặng gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người phụ nữ.
7. Xét nghiệm PAP cổ điển và PAP hiện đại khác nhau như thế nào?
Bác sĩ cho em hỏi PAP cổ điển và PAP hiện đại khác nhau như thế nào? Các biện pháp tầm soát UTCTC có khác nhau giữa độ tuổi hay vấn đề gia đình hay không? Việc tầm soát có thể thực hiện trong 1 ngày không hay chia nhỏ trong nhiều lần thăm khám?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Xét nghiệm PAP cổ điển dùng que gỗ quét lên cổ tử cung, do đó không đủ sâu, không lấy đủ tế bào, dễ trơn trượt. Với xét nghiệm PAP hiện đại, bác sĩ sẽ sử dụng que silicone mềm hơn nhằm khoét sâu hơn, lấy được nhiều tế bào hơn, nhờ đó có nhiều cơ hội tìm tế bào bất thường. Phương pháp này được gọi là PAP nhúng dịch.
HPV là nguyên nhân phổ biến gây UTCTC, vì thế chị em có thể tầm soát bằng xét nghiệm HPV, hoặc thực kết kết hợp xét nghiệm Co-testing để tăng hiệu quả.
Độ tuổi nên bắt đầu tầm soát UTCTC là phụ nữ đã có hoạt động tình dục, từ 25-45 tuổi, trước tiền mãn kinh nên thăm khám và tầm soát định kỳ, xem tử cung có tổn thương hay tế bào có biến đổi bất thường hay không. Tùy vào mỗi trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ hướng dẫn thời gian thực hiện tầm soát khác nhau.
8. Có nên tiêm vắc xin Gardasil 9 phòng ung thư cổ tử cung không?
Con tôi đã tiêm vắc xin Gardasil 4, nhưng bây giờ có Gardasil 9 thì có nên tiêm bổ sung không? Nếu mũi 1 là Gardasil 4 thì mũi sau đó là Gardasil 9 có được không, hiệu quả như thế nào?
BS.CKI Bạch Thị Chính: Nếu đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Gardasil thì chưa khuyến cáo tiêm thêm Gardasil 9. Nếu chưa tiêm mũi vắc xin nào, bạn có thể lựa chọn loại vắc xin theo nhu cầu. Trong đó, Gardasil 4 có type 6 và 11 phòng mụn cóc sinh dục và bú gai đường hô hấp, type 16 và 18 phòng trên 70% trường hợp UTCTC. Ở Gardasil 9 có thêm 5 type nữa, có thể phòng thêm 12% trường hợp gây UTCTC.
Trường hợp bạn đang tiêm 1-2 mũi Gardasil 4 và muốn chuyển qua Gardasil 9, chỉ số bảo vệ type có trong Gardasil 4 so với Gardasil 9 là không đủ, vì thế bắt buộc phải bắt đầu lại phác đồ 3 mũi Gardasil 9. Bạn có thể đến gặp các bác sĩ tiêm chủng tại Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC để được tư vấn cụ thể.
9. Tình trạng bốc hỏa và mãn kinh có phải là biến chứng sau phẫu thuật cắt cổ tử cung không?
Sau phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc 1 tuần tôi bị đau mỏi lưng vùng xương chậu, lan rộng xuống hai bắp chân. Đó có phải là biến chứng sau phẫu thuật hay không? Ngoài ra, tình trạng bốc hỏa và mãn kinh có phải là biến chứng sau phẫu thuật không? Có cách nào khắc phục không bác sĩ?
ThS.BS Kiều Lệ Biên: Phẫu thuật cắt cổ tử cung không phải là nguyên nhân gây mãn kinh, bốc hỏa, tình trạng này liên quan đến nội tiết tố từ buồng trứng. Tùy vào từng giai đoạn UTCTC mà bác sĩ có chỉ định khác nhau, có thể thực hiện khoét chóp hoặc cắt góc cổ tử cung. Việc chăm sóc sau phẫu thuật cũng nhẹ nhàng hơn, chỉ cần nằm viện 1-2 ngày, tái khám sau 2 tuần hoặc tái khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường như sốt, ra máu, đau bụng nhiều…
Ở giai đoạn muộn, cuộc phẫu thuật được gọi là cuộc đại phẫu, ngoài cắt bỏ tử cung bác sĩ có thể nạo hạch chậu hoặc nạo hạch cạnh động mạch chủ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần nằm viện theo dõi 5-7 ngày để được hỗ trợ y tế. Vì thế, để có hướng điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Việc chăm sóc sau phẫu thuật, bên cạnh chú ý chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tinh thần bệnh nhân cũng rất quan trọng. Đặc biệt, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao, phát hiện những dấu hiệu bất thường để thăm khám ngay, có can thiệp kịp thời tránh những rủi ro đáng tiếc. Một số trường hợp sau phẫu thuật không vận động có thể gây nhức mỏi, nếu triệu chứng nặng bệnh nhân cần thăm khám xương khớp để được điều trị hiệu quả.
Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy móc hiện đại, phác đồ thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả, phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa khác trong bệnh viện như Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Xét nghiệm, khoa Ung bướu, khoa Cơ xương khớp… điều trị hiệu quả và toàn diện các vấn đề sức khỏe cho bệnh nhân.
Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khách hàng vui lòng liên hệ đến: