Giấm táo là loại thực phẩm quen thuộc được sử dụng nhiều trong các món salad. Với vị chua ngọt thanh cùng hàng loạt lợi ích sức khỏe, giấm táo ngày càng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu cách làm giấm táo dễ thành công chỉ với vài bước đơn giản, đừng bỏ qua những hướng dẫn dưới đây!
Tác dụng sức khỏe từ giấm táo
Trong giấm táo có chiều nhiều loại amino axit cũng như các loại enzyme khác, do đó sử dụng chút giấm ăn sẽ có tác dụng rất tốt với hoạt động của đường ruột, hệ tiêu hóa.
Chất pectin trong thành phần giấm táo còn giúp hạ thấp hàm lượng LDL cholesterol trong cơ thể và hỗ trợ đẩy nhanh quá trình đốt cháy chất béo, giúp ích trong quá trình giữ dáng, giảm cân.
Giấm táo có tác dụng làm sạch bạch huyết và axit malic trong loại giấm này cũng có vai trò như một chất kháng khuẩn hữu hiệu. Nhờ đó, giấm ăn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giảm các triệu chứng cảm lạnh, nghẹt mũi.
Giấm táo còn có tác dụng giúp thải độc gan, cân bằng đường huyết và huyết áp cho cơ thể.
Bên cạnh đó, axit axetic trong giấm táo còn có tác dụng giảm cảm giác thèm ăn và đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, hạn chế tích nước làm tăng cân. Do đó, giấm táo thường được các chị em trộn ăn kèm với salad để hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả.
Có thể thấy, với những tác dụng tuyệt vời của giấm táo, thì không có lý do gì để chúng ta không thử tự làm giấm táo tại nhà, để sử dụng trong các bữa ăn, vừa giúp các món ăn ngon hơn, vừa tốt cho sức khỏe của cả gia đình.
Cách làm giấm táo đơn giản, sử dụng được lâu
Trong quá trình làm giấm táo, để thành công, việc cẩn thận trong quá trình ủ táo là rất quan trọng, cùng tìm hiểu cách làm như thế nào để tối đa khả năng làm giấm táo thành công qua các bước dưới đây.
Nguyên liệu làm giấm táo
Nguyên liệu chuẩn bị cho món giấm táo cực kỳ đơn giản, dễ tìm:
- 3 quả táo;
- 30g đường;
- 1 lít nước lọc.
Thông thường, mỗi loại táo khác nhau sẽ cho ra những thành phẩm giấm táo có hương vị khác nhau. Ví dụ: Giống táo Gala hay Golden Delicious sẽ cho sẽ giấm thiên vị ngọt nhiều hơn. Trong khi đó giấm làm từ loại táo MacInTosh hoặc Liberty lại có vị hơi chát nhẹ.
Bên cạnh đó, khi chọn táo, nên chọn những quả tươi, không bị dập nát và có xuất xứ, bao bì sản phẩm rõ ràng. Tránh trường hợp mua phải những loại táo không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Cách làm giấm táo với 4 bước
Để chế biến món giấm táo tại nhà, bạn hãy theo dõi và thực hiện theo các bước dưới đây.
Bước 1: Sơ chế táo
- Táo sau khi mua về bạn đem ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 - 20 phút để loại bỏ bớt các tạp chất, chất bụi bẩn rồi rửa lại với nước sạch.
- Dùng dao loại bỏ phần cuống và phần vỏ xung quanh. Nếu lo ngại về dư lượng thuốc trừ sâu, bạn có thể gọt bỏ hoàn toàn lớp vỏ. Ngược lại, bạn có thể giữ lại phần vỏ táo để giấm táo có màu đỏ hồng đặc trưng, đẹp mắt.
- Tiếp đó, cắt táo thành những miếng vuông hình hạt lựu, kích thước từ 1 - 1,5 cm. Việc cắt nhỏ táo sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp đẩy nhanh quá trình lên men của táo.
Bước 2: Ngâm táo
- Chuẩn bị một hũ thủy tinh (hoặc hũ nhựa) đã được rửa sạch và để ráo hoàn toàn. Lần lượt cho vào 1 lớp táo, rồi lại một lớp đường. Cứ tiếp tục thao tác trên đến khi hết nguyên liệu. (Đường có tác dụng như thức ăn cho vi khuẩn hoạt động và làm táo lên men.
- Tiếp theo đổ vào 1 lít nước lọc để nguội cho ngập hết phần táo, đường. Lưu ý: Cần đổ nước ngập hết táo để tránh táo bị thâm, hỏng trong quá trình lên men. Bạn có thể đặt vào hũ một chiếc chén thủy tinh nặng, ráo nước để đè phần táo chìm xuống dưới.
- Tiếp theo sử dụng một miếng vải mỏng, sạch và bọc lấy miệng hũ, dùng dây cố định lại. Việc sử dụng miếng vải thay vì nắp hũ nhằm ngăn cản bụi bẩn, tạp chất rơi rớt vào hũ cũng như tạo điều kiện cho việc trao đổi không khí bên trong, bên ngoài lọ. Vì trong quá trình lên men, việc thoát khí ra bên ngoài ra rất cần thiết.
- Sau đó đặt hũ ngâm táo ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
Bước 3: Lên men táo
- Trong lúc ngâm, cứ 2 - 3 ngày bạn lại mở lớp vải trắng ra để quan sát và khuấy đều. Nếu trên bề mặt có lớp váng trắng, tiến hành vớt bỏ. Sau khi vớt bỏ, bạn dùng một chiếc muỗng sạch, ráo khuấy đều phần táo, đường bên trong hũ để vi khuẩn lên men phân bổ đều và giúp đẩy nhanh quá trình lên men.
- Sau khoảng 2 tuần, bạn sẽ thấy phần táo chìm dần xuống đáy hũ. Mở ra sẽ thấy hũ ngâm nồng lên mùi giống mùi rượu. Các bóng bóng khi xuất hiện trên bề mặt là hiện tượng tự nhiên, bình thường nên bạn không cần lo lắng.
- Khi đã ngửi thấy nồng rõ mùi rượu, bạn sử dụng rây lọc dày hoặc tấm vải sạch để lóc bỏ phần xác táo và giữ lại phần nước ngâm.
Bước 4: Lên men giấm
- Sau khi lọc xong, tiếp tục đổ lại phần nước đã lọc vào trong hũ thủy tinh và ủ.
- Lưu ý rằng lần ủ này bạn sẽ không cần khuấy thường xuyên nữa. Cứ 2 - 3 ngày bạn hãy mở hũ ra và thử lại vị giấm xem giấm đã đạt vị chua mong muốn chua. Nếu chưa, tiếp tục ủ đến khi đạt được độ chua mong muốn thì đem ra sử dụng.
Vậy là với những bước sơ chế, ngâm ủ đơn giản, bạn đã thành công với việc làm giấm táo. Giấm táo phảng phất mùi rượu nồng lôi cuốn cùng với vị chua ngọt thanh nhẹ rất đặc biệt.
Cách bảo quản giấm táo hiệu quả
Nếu không biết cách bảo quản, giấm táo sẽ có hạn sử dụng rất ngắn. Để bảo quản đúng cách, bạn cần lưu ý:
- Khi giấm táo đã được ủ chua đến độ mong muốn, bạo hãy đem bảo quản hũ giấm trong tủ lạnh, đậy kín nắp thay vì dùng vải. Nhiệt độ thấp sẽ làm hạn chế quá trình sinh sôi, hoạt động của các vi khuẩn lên men và hạn chế việc gia tăng độ chua của giấm.
- Khi bảo quản giấm ở nhiệt độ phòng, bạn cần lưu ý tránh những nơi ẩm thấp hay ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào hũ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấm. Bên cạnh đó, ở nhiệt độ phòng, giấm càng để lâu sẽ càng chua nhiều hơn. Do đó bạn nên cho vào tủ lạnh nếu muốn bảo quản và sử dụng lâu hơn.
Sử dụng giấm táo một cách hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe mong muốn. Qua bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn nắm được các bước và nguyên tắc cơ bản trong cách làm giấm táo. Bạn có thể điều chỉnh công thức để có được mùi vị như ý của mình, bằng cách kết hợp các loại táo và thay đường tinh luyện bằng các loại đường khác hoặc mật ong.