Mụn cóc ở bàn chân được xem là một bệnh thường gặp và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có các lựa chọn điều trị khác, đặc biệt đối với những trường hợp mụn cóc gây đau hoặc khó chịu. Hãy cùng tìm hiểu về cách trị mụn cóc ở chân an toàn, hiệu quả.
1Tổng quan về mụn cóc Plantar (mụn cóc ở chân)
Mụn cóc Plantar là gì?
Mụn cóc Plantar hay mụn cóc bàn chân là những mụn cóc thô ráp xuất hiện ở bàn chân. Chúng thường phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của mụn cóc bàn chân, bao gồm:
- Một mụn nhỏ, gồ ở dưới bàn chân.
- Những chấm đen nhỏ hoặc màu nâu trên bàn chân là các mạch máu nhỏ bị đông máu thường được gọi là hạt mụn cơm.
- Da dày, cứng giống mô sẹo ở một điểm trên da, nơi mụn cóc mọc vào trong.
- Cảm giác đau, nhức khi đi bộ hoặc đứng.
Nguyên nhân gây ra mụn cóc Plantar
Mụn cóc bàn chân gây ra do nhiễm virus u nhú ở người - HPV, cụ thể là các loại 1, 4, 57, 60, 63, 65 và 66. Mụn cóc phát triển khi virus xâm nhập qua các vết cắt nhỏ, vết nứt hoặc những vùng da bị tổn thương ở lòng bàn chân. Nếu không điều trị, mụn cóc có thể tồn tại từ vài tháng đến 2 năm ở trẻ em và vài năm ở người lớn.
2Điều trị mụn cóc ở chân
Áp lạnh
Phương pháp áp lạnh được thực hiện tại bệnh viện hoặc phòng khám, bao gồm việc áp nitơ lỏng vào mụn cóc, bằng bình xịt hoặc tăm bông. Phương pháp này có thể gây đau, vì vậy bác sĩ có thể gây tê trước khi thực hiện thủ thuật này.
Ngoài ra, phương pháp này cũng góp phần kích thích hệ thống miễn dịch của bạn chống lại mụn cóc do virus. Bạn có thể phải điều trị áp lạnh lại sau 2-3 tuần cho đến khi khỏi.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra của phương pháp này là đau, nổi mụn nước và làm tăng hoặc giảm sắc tố, dẫn đến tình trạng thay đổi màu da vĩnh viễn.
Dùng Salicylic acid
Thuốc trị mụn cóc có chứa acid salicylic hoạt động bằng cách loại bỏ mụn cóc từng lớp một. Chúng cũng có thể tăng cường khả năng chống lại mụn cóc của hệ miễn dịch.
Bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn dùng thuốc thường xuyên tại nhà, sau đó thỉnh thoảng đến tái khám. Phương pháp này có thể mất vài tuần điều trị.
Các phương pháp khác
Nếu axit salicylic và áp lạnh không có tác dụng, bác sĩ có thể đề xuất những phương pháp điều trị sau:
- Tiểu phẫu: Bác sĩ sẽ cắt bỏ mụn cóc bằng cách sử dụng kim điện. Phương pháp này có thể gây đau, vì vậy cần gây tê. Đây là phương pháp ít được sử dụng vì có thể để lại sẹo.
- Thuốc phồng rộp: Dùng cantharidin, chất này gây ra vết phồng rộp dưới mụn cóc. Sau một tuần, bạn sẽ quay lại để cắt bỏ mụn thịt.
- Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng thuốc hoặc dung dịch để kích thích hệ thống miễn dịch của bạn chống lại mụn cóc do virus. Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm kháng nguyên vào mụn cóc của bạn hoặc có thể bôi dung dịch hoặc kem đặc trị lên mụn cóc.
- Điều trị bằng laser: Đốt các mạch máu nhỏ đã đóng cục bằng liệu pháp laser nhuộm xung. Các mô bị nhiễm bệnh sẽ chết và mụn cóc rơi ra. Lặp lại sau 2-4 tuần để đạt hiệu quả. Lưu ý, phương pháp này cần gây tê.
- Vắc xin: Tiêm phòng vắc-xin HPV đã được sử dụng thành công để điều trị mụn cóc bàn chân.
3Quy trình chẩn đoán bệnh
Mụn cóc thường được chẩn đoán bằng cách nhìn hoặc dùng dao mổ cắt bỏ lớp trên cùng để kiểm tra các chấm. Các chấm này là các mạch máu đông đặc nhỏ. Bác sĩ cũng có thể cắt một phần nhỏ của mụn cóc và gửi đến phòng giải phẫu để kiểm tra.
Nếu nghi ngờ bản thân đang bị mụn cóc, bạn nên đến bệnh viện để khám, vì khó có thể biết được mức độ phát triển của mụn cóc bên dưới da. Bạn nên đi khám ngay nếu mụn cóc có dấu hiệu đau hoặc lan sang vị trí khác.
Bác sĩ có thể giúp bạn xác định phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bạn dựa trên mức độ tiến triển của mụn cóc. Ví dụ: nếu mụn cóc tái phát, bác sĩ có thể chọn một phương pháp điều trị kết hợp khác để đảm bảo loại bỏ nó.
4Các bệnh viện da liễu uy tín
Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
- Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 1.
- Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 2.
Tại Hà Nội:
- Bệnh viện Da liễu Trung ương.
- Bệnh Viện Da Liễu Hà Nội.
Trên đây là các phương pháp điều trị mụn cóc Plantar an toàn, hiệu quả. Mong rằng bài viết đã giúp các bạn có thêm kiến thức về vấn đề này. Hãy chia sẻ đến bạn bè, người thân nếu thấy bài viết hữu ích và để lại bình luận bên dưới chia sẻ thêm những điều bạn biết về chủ đề này nhé!
Nguồn tham khảo: MayoClinic, NCBI, Healthline, Science Direct, Drug Bank