Trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, vì vậy, trẻ rất dễ mắc bệnh. Vậy những bệnh thường gặp ở trẻ em là gì? Làm sao để phòng ngừa hiệu quả các bệnh này?
24 bệnh thường gặp ở trẻ em có thể bạn chưa biết
Dưới đây là 24 bệnh thường gặp ở trẻ em, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ:
1. Cảm lạnh
Cảm lạnh là một trong những bệnh về đường hô hấp trên thường gặp ở cả trẻ em và người lớn do sự xâm nhập của các loại virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus. Vì vậy, bệnh có thể lây truyền từ người này qua người khác và thường bùng phát mạnh khi thời tiết thay đổi.
Thông thường, bệnh chỉ gây ảnh hưởng đến các cơ quan như xoang, mũi, họng với các triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi sau 3-7 ngày nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cảm lạnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, viêm phổi… Sau khi bệnh đã được điều trị hoàn toàn, trẻ vẫn có nguy cơ tái mắc bệnh. (1)
2. Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) là một bệnh lý có thể được gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus với các triệu chứng đặc trưng gồm: đau tai, sốt cao, khó chịu, mất ngủ, chán ăn, giật tai và thính giác kém. Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng tai cao hơn so với người lớn bởi trẻ em có vòi nhĩ nối hòm tai và họng mũi ngắn nhưng khẩu kính lại lớn hơn so với người trưởng thành nên vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào hòm tai, gây viêm, nhiễm trùng. (2)
3. Cúm
Cảm cúm là bệnh thường gặp do virus gây ra, lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn có chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện. Các triệu chứng phổ biến gồm sốt, đau họng, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức cơ, và ớn lạnh. Bố mẹ có thể giảm nguy cơ mắc cảm cúm hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh cảm cúm ở trẻ và rút ngắn thời gian hồi phục cho trẻ bằng cách tiêm phòng vacxin cảm cúm định kỳ hằng năm.
4. Viêm phế quản
Viêm phế quản là một bệnh lý thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Virus là nguyên nhân phổ biến gây viêm phế quản ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một số yếu tố khác cũng có thể khiến bệnh tái phát gồm cơ địa dị ứng, hệ miễn dịch suy giảm, môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi…
Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sổ mũi, khó thở, ho khan, ho có đờm, sốt, mệt mỏi…
5. Viêm phổi
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng tuổi. Theo thống kê, hằng năm tại Việt Nam có khoảng 2,9 triệu trẻ mắc bệnh viêm phổi, trong đó có khoảng 4.000 ca tử vong.
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng, được phân làm 2 loại: viêm phổi thùy (xảy ra ở nhu mô phổi, túi phế nang, ống phế nang, phế quản tận cùng) và viêm phổi phế quản (xảy ra ở phế quản, phế nang phổi và các mô kẽ). Nguyên nhân gây viêm phổi phổ biến và nguy hiểm nhất là phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như: nhiễm trùng huyết, tràn mủ màng phổi, viêm màng não, trụy tim…
6. RSV
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một chủng virus gây viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Các triệu chứng của trẻ khi nhiễm RSV tương tự như cảm lạnh gồm sốt, ho, sổ mũi và hắt hơi.
RSV thường sinh sôi và bùng phát mạnh mẽ khi trời chuyển lạnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể của trẻ, virus phát triển nhanh chóng và gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ nếu bệnh không được phát hiện và điều trị đúng cách. Tỷ lệ tử vong do RSV ở trẻ em là 2,8-22% tổng số ca mắc trên toàn thế giới.
7. Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là căn bệnh truyền nhiễm do virus coxsackievirus A16 hoặc enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là khi khí hậu nóng ẩm.
Trẻ mắc tay chân miệng thường ở mức độ không quá nghiêm trọng với các triệu chứng phổ biến như phát ban, sốt cao, loét miệng, xuất hiện vết ban trong khoang miệng và các triệu chứng khác tương tự như cảm cúm thông thường. (3)
8. Viêm dạ dày, ruột
Viêm dạ dày, ruột (bệnh cúm dạ dày) là một bệnh lý tương tự như cúm được gây ra bởi virus. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Bệnh thường sẽ tự khỏi sau vài ngày khi được nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách. Lưu ý, khi trẻ mắc bệnh này, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, tránh để tình trạng mất nước xảy ra.
9. Viêm xoang
Viêm xoang (nhiễm trùng xoang) là tình trạng chất lỏng tích tụ trong xoang, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển. Phần lớn bệnh do virus gây ra với các triệu chứng gồm: nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhức đầu, áp lực ở vùng xoang, chảy nước mũi và trong cổ họng, đau họng, hơi thở có mùi.
10. Viêm họng
Viêm họng ở trẻ em là một bệnh lý xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn streptococcus pyogenes vào đường mũi và cổ họng. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa từ mùa thu sang đông. Trẻ mắc bệnh thường sẽ có triệu chứng đau họng, sốt, sưng amidan và đau dạ dày.
11. Nhiễm trùng da
Nhiễm trùng da là tình trạng da bị viêm nhiễm do sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Tùy vào mức độ và tác nhân gây bệnh cụ thể, nhiễm trùng da có thể gây tổn thương ở nhiều mức độ khác nhau: tổn thương da nông, sâu hoặc chỉ ảnh hưởng đến 1 bộ phận nhỏ như nang lông, tuyến mồ hôi. Các triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc bệnh như mọc mụt nhọt, bị chốc lở, viêm kẽ.
12. Nhiễm trùng đường tiểu
Theo thống kê, có đến 8 % bé gái và 2% bé trai bị nhiễm trùng đường tiểu (nhiễm trùng đường tiết niệu) khi lên 5 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh này ở bé gái cao hơn bé trai bởi bé gái có niệu đạo ngắn hơn, vi khuẩn từ hậu môn sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiểu qua âm đạo, niệu đạo.
Hơn nữa, nhiễm trùng đường tiểu có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu, gồm: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Các triệu chứng khi trẻ mắc bệnh thường rất rõ ràng, điển hình là triệu chứng đau bụng dưới, lưng, bên hông và trẻ đi tiểu thường xuyên hơn, tiểu gấp, thậm chí, mất kiểm soát bàng quang, tiểu ra máu.
13. Ho
Thực tế, ho không phải là một bệnh lý mà là phản ứng của cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài nhằm đào thải các dị vật và dịch tiết ra khỏi cơ thể. Dựa vào cơn ho, bố mẹ có thể xác định được phần nào tình trạng sức khỏe của trẻ. Đối với các trường hợp bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới, hay do các nguyên nhân khác, trẻ sẽ có triệu chứng ho khác nhau, có thể là ho khan, ho gà, ho có đờm hoặc ho không có đờm. Hơn nữa, mức độ cơn ho cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà trẻ mắc phải.
Mặc dù ho là triệu chứng thường gặp, nhưng bố mẹ vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị đúng cách, đúng bệnh, tránh trị ho cho trẻ bằng các bài thuốc dân gian hoặc tự mua thuốc trị ho tại nhà cho trẻ.
14. Thủy đậu
Thủy đậu (bệnh trái rạ) là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus varicella-zoster gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, tạo dịch thủy đậu thông qua tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn có chứa virus gây bệnh được người bệnh phát tán ra không khí khi hắt hơi, ho, nói chuyện hoặc do tiếp xúc với dịch tiết từ các vết loét do thủy đậu. Bệnh thường sẽ bắt đầu và kết thúc trong khoảng 5-10 ngày với triệu chứng đặc trưng là sự xuất hiện của các vết phồng rộp đỏ, ngứa, bị nổ và trở thành vẩy khổ.
Thông thường bệnh thủy đậu ở trẻ không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng phổi. Theo thống kê, thủy đậu có nguy cơ xảy ra cao ở trẻ dưới 15 tuổi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi sau khi mắc bệnh thủy đậu sẽ có nguy cơ mắc bệnh zona về sao cao hơn 4.5 lần so với những đứa trẻ khác.
15. Tiêu chảy
Tiêu chảy ở trẻ em là một tình trạng thường gặp khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột, đặc trưng bởi tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm theo triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt, mệt mỏi, khó chịu.
Bệnh tiêu chảy có thể được gây ra do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc do các bệnh lý về đường tiêu hóa. Theo thống kê, nguy cơ bị tiêu chảy xảy ra cao hơn ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng chán ăn, sụt cân, mất nước, bố mẹ cần phát hiện và điều trị đúng cách cho trẻ để ngăn chặn bệnh gây nguy hiểm cho trẻ.
16. Tiêu chảy cấp do Virus Rota
Hàng năm trên thế giới có khoảng 125 triệu trẻ em mắc bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra, phần lớn xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Tại nước ta, tỷ lệ tử vong ở trẻ do bệnh này lên đến khoảng 5-8%, thường xảy ra vào khoảng tháng 3 đến tháng 9 ở miền Nam và vào mùa xuân - hè ở miền Bắc. Bệnh thường sẽ tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày. Khi trẻ mắc bệnh, mẹ nên thực hiện các phương pháp điều trị triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ mất nước và xuất hiện các biến chứng.
17. Sởi
Sởi là bệnh lý được gây ra bởi virus, có khả năng lây truyền nhanh chóng qua đường hô hấp. Virus gây bệnh có thể được phát tán nhanh chóng ngay khi bệnh nhân chưa có biểu hiện ra bên ngoài. Các triệu chứng phổ biến khi trẻ bị sởi gồm: sốt, viêm kết mạc, viêm long đường hô hấp phát ban toàn cơ thể. Bệnh sởi ở trẻ nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, trẻ có thể phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc…
18. Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh lý hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, tỷ lệ tử vong lên đến 30% và tỷ lệ gặp biến chứng là 50%. Theo thống kê, có đến 75% trẻ dưới 4 tuổi bị tử vong do viêm não Nhật Bản. Bệnh được gây ra bởi virus viêm não Nhật Bản (JEV), lây truyền qua vết muỗi đốt.
Đa số trẻ bị viêm não Nhật Bản thường sẽ có các triệu chứng nhẹ, dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ hay tiêu chảy, buồn nôn… Chỉ khoảng 1/250 trường hợp xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng. Do đó, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, với các triệu chứng nghiêm trọng như cứng cổ, mất ý thức, khó thở, co giật…
19. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là một bệnh lý được gây ra chủ yếu do virus Adenovirus hoặc do liên cầu khuẩn, tụ cầu, phế cầu khuẩn gây ra. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, mưa nhiều, khí hậu ẩm thấp. Triệu chứng điển hình khi trẻ mắc bệnh này là kết mạc sung huyết, đỏ. Mặc dù phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ đều lành tính nhưng bệnh vẫn có nguy cơ gây ra các biến chứng như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm mủ túi lệ…
20. Nhiễm giun
Nhiễm giun là tình trạng trẻ bị mắc ký sinh trùng giun trong đường ruột. Một số loại giun thường gặp ở trẻ gồm giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc…
Khi trẻ bị nhiễm giun, trẻ sẽ có các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, chán ăn, ợ nóng và tiêu chảy. Tình trạng nhiễm giun ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, thậm chí là tử vong do các biến chứng của nhiễm giun.
21. Viêm gan
Gan là nơi diễn ra rất nhiều quá trình quan trọng như tổng hợp các protein thiết yếu, khử độc… Khi các tế bào gan bị viêm nhiễm, tổn thương do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm trùng viêm gan virus (ví dụ như viêm gan A, B, C, D, E), nhiễm khuẩn, tác dụng phụ của thuốc, rối loạn chuyển hóa và rối loạn hệ miễn dịch, trẻ có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí, bị đe dọa tính mạng.
Trẻ bị viêm gan thường sẽ có biểu hiện mệt mỏi, nôn mửa, đau bụng, đau đầu, chán ăn, sụt cân, vàng da… Bệnh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ sẽ có tiên lượng tốt hơn.
22. Bạch hầu
Bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, Corynebacterium diphtheria gây ra.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu bao gồm sốt, đau họng, viêm nướu, viêm hạch, và mệt mỏi. Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh ở trẻ đều không gặp vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện chậm trễ hay điều trị sai cách, trẻ có thể gặp các vấn đề như suy hô hấp, suy tuần hoàn, liệt khẩu, khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn, hôn mê, thậm chí là tử vong. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
23. Uốn ván
Uốn ván là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, do độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Bệnh gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, khiến xương sống bị bẻ cong, xoắn vặn hoặc uốn cong kèm theo các triệu chứng co thắt có, đau và một số vấn đề về hô hấp.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ tử vong vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển, chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số trường hợp trẻ mắc bệnh (hơn 80%). Tỷ lệ chết do uốn ván dao động 10 - 90% tổng số ca mắc.
24. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do 4 chủng virus thuộc virus Dengue gây ra. Bệnh thường xảy ra vào khoảng tháng 6-7, đạt đỉnh điểm vào tháng 8-11 ở miền Bắc và có thể xảy ra quanh năm tại miền Nam nước ta.
Sau khi virus xâm nhập và phát triển trong cơ thể, trẻ bị sốt xuất huyết sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, phát ban và đau nhức khắp người, chảy máu mũi, chảy máu răng. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như gan, thận và phổi và đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.
Cách phòng những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ
Để bảo vệ và chăm sóc trẻ tốt hơn, phụ huynh nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp cho trẻ, gồm:
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên: Đây là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây qua đường hô hấp, tiêu hóa do virus, vi khuẩn gây ra. Trẻ cần rửa tay với xà phòng hoặc dùng dịch khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, hoặc chạm vào đồ vật bẩn.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học và cho trẻ uống đủ nước: Dinh dưỡng và nước là yếu tố quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Bố mẹ nên cho trẻ ăn đủ các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất và uống đủ nước trong ngày, đồng thời hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Việc đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp. Bố mẹ nên tập cho trẻ đánh răng đúng cách, tắm sạch sẽ và thay quần áo thường xuyên.
- Tiêm vacxin cho trẻ đầy đủ và đúng lịch: Trẻ nên được tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh sốt rét, bệnh uốn ván, bệnh lao, sởi, quai bị và bệnh viêm gan B,… Bên cạnh đó, bố mẹ nên cho trẻ tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
- Tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh: Điều này sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Hơn nữa, trẻ nên hạn chế đến những nơi đông người khi có dịch bệnh bùng phát. Trong trường hợp phải đi ra ngoài, trẻ cần được che chắn và đeo khẩu trang.
- Thường xuyên vận động: Việc tập thể dục đều đặn hay tham gia một bộ môn thể thao nào đó sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
- Giữ cho môi trường sống sạch sẽ: Đây là điều kiện quan trọng giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Bố mẹ nên thường xuyên dọn dẹp và khử khuẩn khu vực sống, nhà ở, đồ chơi của trẻ…
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Trên đây là những thông tin về các bệnh thường gặp ở trẻ em và cách phòng tránh bệnh. Bên cạnh việc chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ điều trị đúng cách.