Sáng 10/9, một sà lan trôi dạt, mắc vào cầu Vĩnh Phú (bắc qua sông Lô nối huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc, và TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Chiếc sà lan nằm ở phía TP Việt Trì, giữa nhịp 1 và 2 của cây cầu.
Sau đó, thêm 6 sà lan, thuyền khác neo đậu bên bờ TP Việt Trì trôi dạt, tiếp tục bị chiếc sà lan đầu tiên chặn lại và cùng mắc kẹt.
Ngày 9/9, thủy điện Tuyên Quang liên tiếp mở các cửa xả đáy số 4, 5, 6, 7, 8 đã khiến mực nước sông Lô tăng lên nhanh chóng, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ là cấp 3 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Đây là một trong những nguyên nhân khiến chiếc sà lan đầu tiên kẹt tại gầm cầu Vĩnh Phú.
Nước sông Lô chảy rất xiết, cuốn theo cây cối, rác thải... cùng mắc lại giữa các sà lan. Phần mái của chiếc sà lan đầu tiên càng ngày càng mắc chặt vào thân cầu Vĩnh Phú.
Cảnh báo về mực nước sông Lô trên trụ cầu Vĩnh Phú. Hình ảnh ghi nhận cho thấy gần một nửa chiều cao của sà lan kẹt ở thân cầu.
Dù mực nước cao, nhiều thuyền, sà lan vẫn hoạt động, di chuyển trên sông Lô.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ có mặt tại hiện trường chỉ đạo xử lý vụ việc.
Cầu Vĩnh Phú khánh thành tháng 8/2023, có điểm đầu cầu phía TP Việt Trì (Phú Thọ) kết nối với đường Trần Phú, giao với đê hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê tả sông Lô ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Công trình được hoàn thành sau 20 tháng thi công. Cầu Vĩnh Phú được thiết kế bảo đảm 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng đường dẫn 16,5m.
Sáng 10/9, ông Phan Quốc Khánh, Chủ tịch UBND phường Dữu Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ), cho biết Công an tỉnh Phú Thọ đã dựng rào chắn, cấm các phương tiện qua cầu Vĩnh Phú.
Nhiều người dân hiếu kỳ theo dõi sự cố.