Ung thư hạch cổ xuất phát từ tế bào miễn dịch của cơ thể. Đây là bệnh nguy hiểm nhưng vẫn có thể chữa được, tùy vào giai đoạn và mức độ ung thư di căn. Vậy ung thư hạch cổ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị ra sao? Bác sĩ CKI Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đưa ra thông tin tổng quan về căn bệnh qua bài viết sau.
Ung thư hạch cổ là gì?
Ung thư hạch cổ là loại ung thư phát triển trong tế bào lympho. Tế bào lympho là các tế bào bạch cầu được tìm thấy trong máu và bạch huyết. Có khoảng 600 hạch bạch huyết phân bố khắp các cơ quan trong cơ thể. Riêng khu vực đầu và cổ có khoảng 300 hạch. Ung thư hạch là bệnh ác tính phổ biến thứ 2 xảy ra ở vùng đầu và cổ.
Tùy vào loại tế bào lympho bị ảnh hưởng, ung thư hạch được phân thành 2 loại: ung thư hạch Hodgkin và ung thư hạch không Hodgkin. Loại ung thư này có thể ảnh hưởng đến hạch bạch huyết và cả những mô không phải hạch bạch huyết (ung thư hạch ngoại bào). Có khoảng 33% u lympho không Hodgkin được tìm thấy ở vùng đầu và vùng cổ. (1)
Dấu hiệu ung thư hạch cổ
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư hạch cổ là sự phát triển của các hạch bạch huyết sưng to dọc theo một bên cổ (2). Hạch ở cổ thường có đường kính nhỏ hơn 1cm, sờ vào thấy hạch di động mà không bị dính với mô xung quanh, bờ viền rõ ràng, không đau, cấu trúc mềm và không quá cứng. Với hạch ác tính có dấu hiệu ung thư, lúc này hạch có kích thước lớn 1cm, cứng, dính chặt với các mô xung quanh, bờ viền không rõ ràng, sờ thấy đau.
Một vài triệu chứng khác có thể kể đến như: buồn nôn, đau đầu, cân nặng giảm, đổ mồ hôi đêm và sốt. Nghiêm trọng hơn, bệnh có thể gây chảy máu nướu hoặc mũi, sưng mắt, tê hoặc liệt ở mặt.
Sưng tấy ở một hoặc nhiều hạch bạch huyết vùng cổ là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Song, đây không hoàn toàn là dấu hiệu của ung thư. Triệu chứng này cũng cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, khi gặp phải tình trạng này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, tìm nguyên nhân và điều trị sớm.
Sưng tấy ở 1 hoặc nhiều hạch bạch huyết vùng cổ là dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
Nguyên nhân gây ung thư hạch cổ
Hiện, bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân và nguồn gốc của ung thư hạch cổ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến căn bệnh này. Các yếu tố gồm: (3)
- Di truyền: chưa thể xác định di truyền có phải yếu tố gây bệnh hay không. Song, tương tự những loại ung thư khác, nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh, bạn sẽ nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
- Hệ miễn dịch kém: tế bào bạch cầu có nhiệm vụ chống lại vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, ở người có hệ miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh rối loạn miễn dịch, các tế bào bạch cầu yếu, không đủ sức để đề kháng các tác nhân gây hại.
- Yếu tố môi trường: người làm việc trong môi trường độc hay thường xuyên tiếp xúc với các bức xạ hoặc hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ) sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Người nhiễm virus mạn tính có nguy cơ mắc ung thư hạch ở cổ cao bao gồm: virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus viêm gan C và virus Epstein-Barr.
- Ức chế miễn dịch: người dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Nhất là các thuốc được dùng sau khi cấy ghép nội tạng, thuốc điều trị các rối loạn tự miễn dịch hoặc HIV.
Ung thư hạch cổ sống được bao lâu?
Tiên lượng sống của ung thư hạch cổ tùy vào giai đoạn và mức độ di căn của tế bào ung thư. Căn bệnh này vẫn có thể điều trị nếu được phát hiện sớm, lúc này tế bào ung thư chỉ giới hạn ở cổ. Ung thư đã di căn sang các vị trí khác thường khó điều trị hơn.
Chẩn đoán khối u hạch cổ ác tính như thế nào?
Để chẩn đoán u hạch cổ ác tính, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng bằng cách kiểm tra hạch nổi ở cổ, triệu chứng gần đây, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu quá trình chẩn đoán bằng cách xem xét thông tin cá nhân của bạn.
Trường hợp nghi ngờ u hạch ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm gồm: xét nghiệm máu, sinh thiết tủy xương, sinh thiết hạch bạch huyết, xét nghiệm hình ảnh. (4)
1. Xét nghiệm máu
Phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác căn bệnh phức tạp này. Những xét nghiệm máu sau đây có thể xác định có hay không tế bào ung thư hạch:
- Phết máu: bác sĩ lấy một giọt máu của người bệnh và mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi. Các tế bào máu bất thường có thể chỉ ra ung thư hạch cổ.
- Công thức máu toàn bộ (CBC): đo nồng độ các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
- Tốc độ lắng của hồng cầu (ESR): xét nghiệm giúp đo tốc độ lắng xuống đáy ống của các tế bào hồng cầu, từ đó xác định mức độ viêm.
- Lactate dehydrogenase (LDH): xét nghiệm có thể phát hiện một loại protein được giải phóng bởi các tế bào bị tổn thương.
- Các xét nghiệm máu khác để kiểm tra chức năng gan và thận. Điều này giúp xác định u ác tính ở cổ có lan đến các bộ phận đó hay không.
- Xét nghiệm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và viêm gan B.
2. Sinh thiết hạch bạch huyết
Bác sĩ chỉ định xét nghiệm các hạch bạch huyết để kiểm tra có hay không tế bào ung thư trong hệ thống bạch huyết. Bằng cách loại bỏ 1 phần hoặc toàn bộ hạch bạch huyết và mang đi xét nghiệm. Kết quả sẽ xác định bạn có mắc ung thư hạch cổ hay là loại ung thư khác.
3. Kiểm tra hình ảnh
Phương pháp này nhằm xác định mức độ lan rộng của khối u hạch cổ trong cơ thể. Các xét nghiệm cũng giúp phát hiện nhiễm trùng hoặc những vấn đề khác. Các xét nghiệm gồm: chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
Biện pháp điều trị
Ung thư hạch cổ có thể điều trị bằng một số phương pháp như: hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp nhắm mục tiêu, bức xạ liều cao, cấy ghép tế bào gốc, trừ phẫu thuật. Tùy vào giai đoạn và tình trạng ung thư di căn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp, bao gồm:
1. Hóa trị
Hóa trị là một trong những phương pháp chính được sử dụng để điều trị ung thư hạch cổ. Thuốc hóa trị là hóa chất dùng để tiêu diệt tế bào ung thư, có thể dùng dưới dạng thuốc viên hoặc dung dịch truyền vào tĩnh mạch.
2. Liệu pháp miễn dịch
Tế bào ung thư ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch bằng cách tạo ra các protein. Lúc này, liệu pháp miễn dịch can thiệp và lợi dụng hệ thống miễn dịch của chính người bệnh để tiêu diệt các tế bào ung thư.
3. Bức xạ liều cao
Sử dụng xạ trị liều phóng xạ cao để làm tổn thương hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư hạch. Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ sử dụng tia X hoặc các chùm năng lượng cao khác.
4. Liệu pháp nhắm mục tiêu
Liệu pháp nhắm mục tiêu tấn công cụ thể vào từng mô nhằm ngăn chặn sự phát triển hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này được dùng khi hóa trị và các phương pháp điều trị khác không phát huy tác dụng.
5. Ghép tế bào gốc
Liệu pháp tế bào CAR T là một trong những phương pháp mới và tiên tiến nhất dùng trong điều trị một số loại ung thư hạch tế bào B. Bằng cách lấy tế bào T (tế bào miễn dịch) từ máu người bệnh, sau đó điều chế để chống lại căn bệnh này.
Phòng ngừa ung thư hạch cổ như thế nào?
Không có biện pháp phòng ngừa ung thư hạch cổ, tuy nhiên, bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng các cách sau:
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại như: benzen, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu bằng cách trang bị đồ bảo hộ và tuân thủ những quy định khi làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với chất hóa học.
- Tránh tiếp xúc với các tia bức xạ.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học: bổ sung các loại trái cây, rau củ quả, hạn chế tiêu thụ chất béo, thức ăn nhiều dầu mỡ. Hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng.
- Người mắc một số bệnh tự miễn như: lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh celiac, nên tuân thủ điều trị, tái khám theo hướng dẫn để theo dõi tình trạng sức khỏe và xử lý kịp thời những biến chứng phát sinh.
- Ung thư có thể di truyền, vì vậy, nếu gia đình có người thân mắc bệnh, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị sớm.
Để phát hiện và điều trị bệnh sớm, bạn cần phải nhận biết một số biểu hiện của ung thư hạch cổ. Vì căn bệnh này có biểu hiện sưng hạch, tương tự như dấu hiệu của cơ thể đang chống lại nhiễm trùng hoặc một số bệnh khác. Do đó, để biết chính xác tình trạng này có phải ung thư hay không, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên vùng Đầu Mặt Cổ để khám, tìm nguyên nhân và chữa trị kịp thời.