Tiêm filler là một hình thức làm đẹp đã rất quen thuộc với các chị em hiện nay. Filler được biết đến là chất làm đầy có khả năng cải thiện những khuyết điểm ở nhiều vị trí trên khuôn mặt như: môi, thái dương, trán, cằm, má và trong đó có cả vùng mũi.
Tiêm filler mũi là gì?
Tiêm filler mũi là một phương pháp tạo hình có thể giúp cải thiện những khuyết điểm ở vùng mũi mà không cần phẫu thuật. Filler có thể được tiêm vào sống mũi, đầu mũi hoặc cánh mũi để điều chỉnh hình dáng mũi hài hòa hơn với khuôn mặt. Các tác dụng của tiêm filler mũi bao gồm:
- Nâng cao sống mũi, đầu mũi
- Giúp đường viền sống mũi thẳng, rõ nét hơn
- Cải thiện tạm thời những dị tật do phẫu thuật nâng mũi
Có 2 loại filler thường được sử dụng để tiêm ở vị trí mũi đó là:
- Axit Hyaluronic (HA): HA là thành phần tự nhiên trong mô liên kết của cơ thể người. Đây là loại filler phổ biến, được sử dụng nhiều nhất trong thẩm mỹ. Hiệu quả khi tiêm HA ở mũi thông thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng, tuy nhiên ở một số trường hợp đã được ghi nhận, “tuổi thọ” của loại filler này có thể kéo dài tới 18 tháng.
- Canxi Hydroxylapatite (CaHA): CaHA là thành phần khoáng chất tự nhiên của xương và đã được ứng dụng rất nhiều trong y tế khoảng hơn 1 thập kỷ qua. Ưu điểm lớn nhất của CaHA là có tuổi thọ vượt trội, mặc dù nó dễ sờ thấy hơn so với HA, đặc biệt nếu được tiêm quá nông. Hiệu quả của CaHA thường kéo dài từ 10-12 tháng, do vậy bạn cần tiêm nhắc lại sau mỗi 1 năm để duy trì dáng mũi như mong muốn.
Ưu điểm, hạn chế của tiêm filler mũi
Ưu điểm
Tiêm filler mũi có những ưu điểm sau:
- Quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng (chỉ 10-15 phút)
- Không mất nhiều thời gian phục hồi
- Không cần gây mê khi thực hiện
- Chi phí giá cả hợp lý
- Không để lại sẹo
- Có thể tiêm tan filler để quay trở lại dáng mũi cũ nếu kết quả không được như ý
Hạn chế
So với phương pháp chỉnh hình mũi bằng phẫu thuật, hiệu quả tiêm filler mũi chỉ là tạm thời (thông thường trung bình là 6-12 tháng). Mũi cũng là khu vực nhạy cảm, có nhiều mạch máu và nằm gần mắt. Do vậy tiêm filler vùng mũi sẽ phức tạp và nguy hiểm hơn so với các vị trí khác.
Tiêm filler mũi cũng có những tác dụng phụ cấp tính và tồn tại những rủi ro nhất định nếu có sai sót trong quy trình thực hiện như:
- Bầm tím tại chỗ tiêm
- Đau
- Sưng tấy
- Buồn nôn
- Sốt
- Nổi mề đay (biểu hiện dị ứng)
- Filler bị di chuyển đến các vùng khác trên mũi hoặc dưới mắt
- Da mũi sần sùi, gồ ghề do tiêm filler không đều
- Biến chứng tắc nghẽn mạch máu
- Mắt mờ hoặc mù lòa
Quy trình thực hiện tiêm filler mũi
Quy trình tiêm filler mũi thường bao gồm các bước sau đây:
- Bước 1: Bác sĩ sẽ thảo luận cùng với khách hàng về mong muốn, nhu cầu thay đổi dáng mũi
- Bước 2: Kết hợp với việc đánh giá dáng mũi hiện tại, độ dày da mũi và các yếu tố khác, bác sĩ sẽ tư vấn hướng giải quyết phù hợp nhất, bao gồm vị trí tiêm, thể tích filler cần tiêm,...
- Bước 3: Sau khi đã xác định được vị trí cần tiêm, điều dưỡng sẽ tiến hành bôi thuốc ủ tê ở vị trí tiêm và cả vùng da xung quanh để giúp giảm đau trong quá trình tiêm.
- Bước 4: Bác sĩ sẽ dùng một bơm tiêm có kim rất nhỏ (nhưng vẫn đảm bảo filler có thể chảy qua dễ dàng) để bơm filler vào dưới lớp da mũi.
- Bước 5: Sau khi tiêm xong, bạn sẽ cần ở lại cơ sở thẩm mỹ để theo dõi trong khoảng 30 phút nhằm xử lý kịp thời nếu có các tác dụng phụ hay dị ứng nghiêm trọng xảy ra.
Cách chăm sóc sau khi tiêm filler mũi
Sau khi tiêm filler, bạn nên tránh đụng chạm vào mũi hay để mũi bị va đập mạnh vì có thể làm khối filler bị di chuyển. Ngoài ra, để giảm đau và bầm tím, cách chườm mát nhẹ nhàng trong một vài phút cũng có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Về chế độ ăn uống và sinh hoạt, sau khi tiêm filler bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Không uống rượu bia, đồ uống có cồn
- Tránh vận động quá mạnh hay thể dục, làm việc gắng sức
- Hạn chế ăn mặn, ăn những thực phẩm cay nóng, dầu mỡ
- Không đi máy bay ngay sau khi tiêm filler
- Chỉ sử dụng thuốc giảm đau khi có hướng dẫn của bác sĩ
- Uống nhiều nước
- Ăn nhiều rau xanh, quả chín để bổ sung vitamin và chất khoáng giúp cơ thể mau hồi phục
Ngoài ra, thực hiện một số điều sau trước khi tiêm filler mũi cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình tiêm:
- Tránh dùng các loại thuốc như aspirin, ibuprofen hay chất bổ sung như vitamin E và các chất có thể làm loãng máu khác trong vòng 1 tuần trước khi tiêm filler.
- Uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ trước khi tiêm. Tuy nhiên đừng ăn quá no vì có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn trong hoặc sau khi tiêm filler.
Nhìn chung, tiêm filler mũi là một phương pháp làm đẹp hiệu quả với chi phí hợp lý, dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, biến chứng nguy hiểm nếu quy trình thực hiện không được đảm bảo.
Vì vậy, bạn nên chú ý chọn lựa những cơ sở thẩm mỹ lớn, có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm và tay nghề cao để làm đẹp một cách an toàn, hiệu quả.