Dùng thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản là một trong những biện pháp quan trọng để kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu của bệnh lý này. Các loại thuốc thường được kê đơn bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng H2, thuốc trung hòa acid và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về bệnh trào ngược dạ dày thực quản
1.1 Định nghĩa
Thông thường, hoạt động cơ vòng thực quản trên và dưới cùng với nhu động của thực quản sẽ bảo vệ thực quản khỏi sự tiếp xúc của các chất trào ngược từ dạ dày. Tuy nhiên, khi các cơ chế bảo vệ này bị suy giảm, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) sẽ xuất hiện.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể được xem là một hiện tượng sinh lý bình thường sau bữa ăn. Tuy nhiên, nếu dịch dạ dày trào ngược lên thực quản một cách quá mức, dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng khác nhau trên thực quản, khi đó sẽ được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD - Gastroesophageal Reflux Disease)
1.2 Nguyên nhân
- Các cơ thực quản hoạt động yếu hoặc đóng mở bất thường trong trường hợp giãn tạm thời hoặc giảm áp lực các cơ thắt thực quản, nhu động yếu khiến các chất trào ngược từ dạ dày không thể được đẩy xuống dưới, hậu quả của phẫu thuật thực quản.
- Thoát vị hoành cũng được xem là một nguyên nhân gây bệnh phổ biến.
- Sự tăng tiết axit dạ dày, chậm tiêu hóa, áp lực trong dạ dày hoặc ổ bụng tăng cao, và tình trạng thức ăn bị ứ đọng.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Tình trạng căng thẳng, lo lắng kéo dài.
- Sử dụng các loại thuốc như NSAIDs (thuốc kháng viêm không Steroid), thuốc kháng viêm Steroid, Aspirin, thuốc kháng cholinergic, chẹn canxi, Theophylin, Nitrin, một số loại thuốc chứa hormone như Progesteron, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc chẹn Beta dùng trong điều trị hen suyễn.
- Uống rượu bia, sử dụng đồ uống có gas hoặc hút thuốc lá.
- Ít vận động.
- Các tình trạng tăng áp lực ổ bụng như béo phì, thừa cân hoặc phụ nữ mang thai.
- Yếu tố di truyền trong gia đình.
2. Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản
2.1 Chẩn đoán lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng tại cổ họng:
- Ợ nóng: Cảm giác nóng rát bắt đầu từ sau xương ức, lan tỏa lên cổ và họng, thường xuất hiện vào ban đêm nhiều hơn ban ngày. Tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi ăn, nằm ngay sau khi ăn, ép bụng, nằm ngửa, cúi gập người, hoặc thay đổi tư thế. Cảm giác nóng rát có thể giảm đi khi uống sữa hoặc nước ấm.
- Ợ trớ: Cảm giác dịch vị hoặc thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản và miệng, gây khó chịu ở hạ hầu.
- Khó khăn khi nuốt thức ăn.
- Rối loạn giấc ngủ: Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa này có thể khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ.
Các triệu chứng ngoài thực quản có thể bao gồm:
- Ho dai dẳng kéo dài.
- Hen phế quản.
- Viêm thanh quản hoặc viêm họng tái phát nhiều lần.
- Viêm phổi hít hoặc viêm phổi thùy.
- Bào mòn răng.
- Đau ngực sau khi đã loại trừ nguyên nhân từ tim mạch.
2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Các phương pháp chẩn đoán bổ trợ bao gồm:
- Chụp X-quang thực quản dạ dày có cản quang: Được sử dụng để phát hiện các tổn thương như ung thư thực quản hoặc viêm loét thực quản,...
- Nội soi dạ dày tá tràng: Giúp đánh giá tình trạng niêm mạc thực quản và xác định các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Nội soi nên được thực hiện sớm trong các trường hợp sau:
- Xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như khó nuốt, đau khi nuốt, nôn ra máu, sụt cân hoặc khó thở vào ban đêm.
- Triệu chứng không điển hình dẫn đến chẩn đoán bệnh không rõ ràng.
- Nghi ngờ xảy ra biến chứng.
- Các triệu chứng không cải thiện hoặc tái phát nhiều lần dù đã được điều trị.
- Manometry thực quản (đo áp lực nhu động thực quản) và đo pH thực quản trong 24 giờ: Những xét nghiệm này thường thực hiện trước khi có chỉ định phẫu. Trong khi đó, trên lâm sàng, manometry thực quản và đo pH thực quản trong 24h thường được thực hiện cho mục đích nghiên cứu
- Test Bernstein.
- Xét nghiệm sinh thiết hoặc mô bệnh học thực quản.
3. Các phương pháp điều trị và thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản
3.1 Các biện pháp điều trị không thuốc
Điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách:
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, món ăn và trái cây có vị chua.
- Tránh cà phê, bia rượu, và các loại đồ uống có ga.
- Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, tránh nằm ngay sau khi ăn và không ăn quá nhiều.
Điều chỉnh lối sống theo các cách sau:
- Nâng cao phần đầu khi nằm (khoảng 10 - 15 cm) hoặc sử dụng gối chống trào ngược để cảm thấy thoải mái hơn.
- Tránh mặc trang phục quá chật.
- Giảm thiểu việc hút thuốc lá.
- Cố gắng giảm bớt lo âu và căng thẳng.
3.2 Thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản nên dùng thuốc gì là câu hỏi mà nhiều bệnh nhân và người nhà thường đặt ra. Trên lâm sàng có đa dạng các loại thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản với cơ chế hoạt động và liều dùng khác nhau. Do đó, việc lựa chọn loại thuốc phù hợp cần được tư vấn kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa.
3.2.1 Thuốc ức chế bơm Proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm Proton (PPI) được chỉ định để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở mức độ trung bình đến nặng hoặc có biến chứng. Đây là nhóm thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản được sử dụng phổ biến nhất hiện nay và có tác dụng mạnh nhất trong việc ngăn chặn sự tiết acid dạ dày. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế enzym H+ K+ ATPase, từ đó làm ức chế quá trình bài tiết acid dịch vị.
Các thuốc ức chế bơm proton (PPI) thường được sử dụng hiện nay bao gồm:
- Omeprazole: Liều thông thường là 20 mg mỗi ngày. Đối với tình trạng GERD không đáp ứng với điều trị thông thường, liều dùng là 20 mg mỗi lần, hai lần mỗi ngày.
- Pantoprazole: Liều thông thường là 40 mg mỗi ngày. Đối với GERD kháng trị, liều dùng là 40 mg mỗi lần, uống hai lần mỗi ngày.
- Esomeprazole: Liều thông thường là 40 mg mỗi ngày. Đối với GERD kháng trị, liều dùng là 40 mg mỗi lần, dùng hai lần mỗi ngày.
- Rabeprazole: Liều thông thường là 20 mg mỗi ngày. Đối với GERD kháng trị, liều dùng là 20 mg mỗi lần, hai lần mỗi ngày.
- Lansoprazole: Liều thông thường là 30 mg mỗi ngày. Đối với GERD kháng trị, liều dùng là 30 mg mỗi lần, hai lần mỗi ngày.
- Dexlansoprazole: Liều thông thường là 60 mg mỗi ngày. Đối với GERD kháng trị, liều dùng là 60 mg mỗi lần, hai lần mỗi ngày.
Trước khi dùng bữa khoảng 30 phút là thời điểm thích hợp nhất để uống thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản nhằm tăng cường hiệu quả điều trị. Thông thường, một đợt điều trị kéo dài từ 4 đến 8 tuần, tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể cần đến 12 tuần để đạt được kết quả mong muốn.
3.2.2 Thuốc trung hòa Acid và Alginate
Các thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản như Maalox, Gastropulgite, Alusi và nhiều loại khác thường được sử dụng để trung hòa acid dạ dày. Thành phần chính của chúng bao gồm các muối nhôm (như carbonat, hydroxyd, phosphat) và muối magnesi (như carbonat, hydroxyd, trisilicat). Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cũng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn như táo bón hoặc tiêu chảy.
Gaviscon là một loại thuốc thường được sử dụng, trong đó chứa hoạt chất alginate. Hoạt chất này có khả năng tạo ra một lớp màng bảo vệ ở thực quản, ngăn chặn dịch dạ dày trào ngược lên trên hoặc thay thế cho thành phần dịch vị dạ dày bị trào ngược lên đoạn dưới thực quản. Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú, có thể uống Gaviscon với liều lượng 1-2 gói mỗi lần, tối đa 4 lần/ ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 12 tuổi hoặc những người mắc các bệnh như tim mạch, suy thận, việc sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Các loại thuốc kể trên thường được sử dụng sau khi ăn từ 1 đến 3 giờ.
3.2.3 Thuốc kháng thụ thể Histamin H2
Thuốc kháng thụ thể Histamin H2, chẳng hạn như Ranitidine, Zantac và Tagamet, hoạt động bằng cách cạnh tranh với thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày, làm giảm đáng kể lượng acid tiết ra. Nhờ đó, tình trạng viêm loét thực quản được hạn chế. Loại thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản này nên uống trước bữa ăn 15-30 phút.
So với nhóm PPI, thuốc kháng thụ thể Histamin H2 có tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng thụ thể Histamin H2 trong thời gian dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ như chứng vú to ở nam giới. Do đó, nhóm thuốc này hiện nay ít được sử dụng hơn.
3.2.4 Thuốc tác dụng trên chức năng vận động thực quản (Prokinetics)
Thuốc trợ vận động (Prokinetics) không chỉ tăng cường quá trình đào thải axit ra khỏi thực quản mà còn thúc đẩy dạ dày làm rỗng nhanh hơn và tăng cường hoạt động co bóp của cơ thực quản. Nhờ đó, bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản thường được kê đơn kết hợp thuốc Prokinetics với thuốc ức chế bơm Proton (PPI) để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
- Metoclopramide: Metoclopramide không chỉ có tác dụng chống nôn mà còn kích thích nhu động ruột - dạ dày hoạt động hiệu quả. Nhờ vào những công dụng này, thuốc được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Sử dụng 10 - 15 mg, uống 4 lần mỗi ngày. Bên cạnh việc uống, metoclopramide còn có thể được tiêm tĩnh mạch, đặc biệt hữu ích cho bệnh nhân hóa trị và sau phẫu thuật. Để đạt hiệu quả điều trị tối đa, bệnh nhân nên uống thuốc này 30 phút trước bữa ăn và trước khi đi ngủ. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 1 đến 3 tháng theo chỉ định của bác sĩ.
- Domperidone: Liều lượng là 10 mg, uống 3 lần mỗi ngày.
- Baclofen: Dùng từ 10 - 20 mg, uống 2 - 3 lần mỗi ngày.
3.2.5 Thuốc chống trầm cảm
Trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các thuốc chống trầm cảm như Imipramine, Nortriptyline, Trazodone và Sertraline thường được sử dụng để hỗ trợ giảm lo âu, căng thẳng và stress - những yếu tố góp phần hình thành bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản này cần hết sức thận trọng do các tác dụng phụ có thể xảy ra trên đường tiêu hóa.
3.3 Điều trị ngoại khoa
Trước sự lựa chọn giữa điều trị nội khoa và ngoại khoa, phẫu thuật hoặc nội soi can thiệp thường được xem xét khi thuốc trị trào ngược dạ dày thực quản không còn hiệu quả hoặc bệnh nhân không muốn phụ thuộc vào thuốc trong thời gian dài.
Hiện tại, một số phương pháp điều trị thường được áp dụng bao gồm:
- Kỹ thuật nội soi để khâu lại cơ thắt thực quản.
- Phẫu thuật tạo hình theo phương pháp Nissen.
- Sử dụng thiết bị từ tính để thắt cơ vòng thực quản.
4. Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Những biến chứng có thể phát sinh từ bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Viêm thực quản do trào ngược, còn được gọi là Erosive esophagitis - EE.
- Tình trạng Barrett thực quản.
- Hẹp thực quản.
- Xuất hiện các lỗ thủng hoặc loét trên thành thực quản.
- Nguy cơ phát triển ung thư thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản là một căn bệnh tại đường tiêu hóa phổ biến hiện nay, đang đòi hỏi sự quan tâm của nhiều người. Để hạn chế các thủ thuật can thiệp phức tạp và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và kê đơn những loại thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản phù hợp, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Để cập nhật những kiến thức mới nhất về sức khỏe, dinh dưỡng và làm đẹp, bạn nên thường xuyên truy cập website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Thông tin hữu ích từ trang web này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho cả bản thân và gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.