Rối Loạn Lo Âu Là Gì?
Lo âu là phản ứng bình thường của mỗi chúng ta khi đối mặt với áp lực. Lo âu ở mức độ vừa phải có thể giúp ích cho chúng ta trong nhiều tình huống, như là giúp ta nhận diện các mối nguy, có sự chuẩn bị, và tập trung tốt hơn. Tuy nhiên, với rối loạn lo âu (anxiety disorder), các biểu hiện có thể khác so với cảm xúc bồn chồn, lo lắng thông thường, và cơn lo âu hay hoảng sợ có thể xuất hiện với cường độ mạnh.
Rối loạn lo âu là một trong những rối loạn tâm lý phổ biến, ước tính có 30% người trưởng thành trên thế giới mắc rối loạn lo âu trong một vài giai đoạn cuộc đời. Tuy nhiên, đây lại là một rối loạn có thể điều trị, thông qua một vài phương pháp trị liệu tâm lý. Người gặp rối loạn lo âu, sau khi được chẩn đoán và tiếp cận với phương pháp trị liệu phù hợp, cũng như có thái độ hợp tác với nhà tâm lý, hoàn toàn có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, không bị quấy rầy bởi các triệu chứng của rối loạn lo âu nữa [1].
Theo định nghĩa từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), rối loạn lo âu chỉ một nhóm các rối loạn tâm lý với đặc trưng xoay quanh các trạng thái cảm xúc lo lắng, sợ hãi, hay ám ảnh sợ hãi cực độ [2], như là:
Rối loạn lo âu lan toả (GAD): Người mắc có những lo lắng thường trực hoặc không thể kiểm soát được về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder): Người mắc có những cơn hoảng loạn (panic attack) thường xuyên hoặc liên tục mà không rõ lý do.
Các chứng sợ hãi đặc biệt (Phobias): Người mắc có nỗi sợ hãi hoặc lo lắng cực độ về một tình huống cụ thể hay một vật cụ thể.
Rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder): Người mắc cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng tột độ từ các tình huống xã hội (VD: Đi dự tiệc, tới nơi làm việc, hoặc trò chuyện xã giao với người khác [3].
Biểu Hiện Của Rối Loạn Lo Âu
Các dấu hiệu mà người nghi ngờ gặp rối loạn lo âu có thể quan sát và ghi nhận có thể kể đến như:
Lo lắng thái quá: Lo lắng quá mức về các sự kiện, tình huống hàng ngày. Nỗi lo lắng có thể khiến người mắc khó tập trung, và không thể làm việc. Nếu triệu chứng được ghi nhận diễn ra hàng ngày liên tục trong 06 tháng, nhà tâm lý có thể đưa ra chẩn đoán gặp rối loạn lo âu lan toả.
Cảm thấy bị kích động: Biểu hiện qua các triệu chứng trên cơ thể như là tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay, run tay, hay khô miệng. Cho dù đây có thể là những phản ứng có lợi trong trường hợp người mắc đang gặp các mối nguy thật sự, các triệu chứng có thể khiến người mắc rối loạn lo âu cảm thấy cạn kiệt năng lượng, khi các nỗi lo luôn tràn ngập trong tâm trí.
Bồn chồn: Thường được mô tả là trạng thái “đứng ngồi không yên". Dù không xảy ra ở tất cả những người mắc rối loạn lo âu, nhưng bồn chồn là một trong những dấu hiệu phổ biến mà các bác sĩ, nhà tâm lý thường hỏi thân chủ.
Khó tập trung: Một nghiên cứu trên 175 người trưởng thành mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát cho thấy gần 90% cho biết họ gặp khó khăn trong việc tập trung. Một số nghiên cứu cho thấy sự lo lắng có thể làm ảnh hưởng tới trí nhớ ngắn hạn của não bộ, giải thích cho sự suy giảm hiệu suất làm việc của những người gặp rối loạn lo âu [4].
LƯU Ý: Các dấu hiệu được nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn đang nghi ngờ bản thân gặp rối loạn lo âu, hãy tìm gặp nhà tâm lý hoặc bác sỹ tâm thần để có kết luận chính xác về vấn đề bạn gặp phải.
Nguyên Nhân Gây Ra Rối Loạn Lo Âu
Giống như nhiều vấn đề tâm lý khác, rối loạn lo âu không tới từ khiếm khuyết cá nhân, đặc điểm tính cách, hay vấn đề từ phương pháp giáo dục. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gốc rễ dẫn tới các rối loạn lo âu.
Một số yếu tố tác động tới quá trình phát triển rối loạn lo âu có thể kể đến như:
Sự mất cân bằng hóa học: Áp lực cường độ cao hoặc kéo dài có thể làm mất cân bằng hóa học trong não bộ, ảnh hưởng tới việc ổn định tâm trạng, có thể dẫn tới rối loạn lo âu.
Các yếu tố ngoại cảnh: Các sang chấn tâm lý có thể kích thích rối loạn lo âu, đặc biệt với những người có nguy cơ cao.
Di truyền: Rối loạn lo âu có thể được di truyền từ các thành viên trong gia đình.
Các Phương Pháp Trị Liệu Rối Loạn Lo Âu Không Dùng Thuốc Hiện Nay
Trị Liệu Nhận Thức - Hành Vi (CBT)
Trị liệu Nhận thức - Hành vi (CBT) là phương pháp trị liệu giúp thân chủ nhận diện và thay đổi những khuôn mẫu trong suy nghĩ đã tác động tiêu cực lên hành vi và cảm xúc của họ.
CBT là phương pháp được đánh giá cao trong việc can thiệp với rối loạn lo âu, bởi CBT đưa ra cách tiếp cận có cấu trúc rõ ràng, phù hợp trong việc điều trị các vấn đề chẩn đoán kép (dual diagnosis - khi thân chủ được chẩn đoán gặp nhiều rối loạn tâm lý cùng lúc), và có thể thấy rõ sự tiến bộ ở thân chủ trong thời gian ngắn.
CBT là một liệu pháp thực chứng, với nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tác dụng trong việc điều trị nhiều vấn đề nằm trong nhóm rối loạn lo âu, được cho là “tiêu chuẩn vàng" trong việc điều trị rối loạn lo âu hiện nay [5].
Trị Liệu Hành Vi Biện Chứng (DBT)
Trị liệu Hành vi Biện chứng (DBT) là một loại hình trị liệu Nhận thức - Hành vi có những đặc điểm phù hợp với thân chủ gặp rối loạn cảm xúc (emotional dysregulation), giúp cho người gặp rối loạn lo âu học cách phản ứng với các sự kiện, môi trường xung quanh một cách lành mạnh, không để cảm xúc lấn át, và làm việc năng suất hơn. Phương pháp trị liệu này tập trung vào việc thay đổi các khuôn mẫu hành vi tiêu cực, thay vì tập trung vào các chia sẻ của thân chủ về những lo âu của họ.
Ban đầu, DBT được phát triển để điều trị cho các thân chủ được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), rất nhiều khái niệm và công cụ của DBT đã cho thấy hiệu quả trong việc điều trị rối loạn lo âu, cũng như một số rối loạn tâm lý khác [6].
Trị Liệu Chấp Nhận & Cam Kết (ACT)
Phương pháp trị liệu Chấp nhận & Cam kết (ACT) được phát triển dựa trên quan điểm cho rằng những phiền muộn (distress) và lo âu xuất phát từ việc chúng ta đã sống một cuộc đời với những hành động, kế hoạch trái với các giá trị cốt lõi bên trong. Thông qua việc tái kết nối với các giá trị cốt lõi, ta có thể cải thiện sức khoẻ thể chất và tinh thần, cũng như sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa.
Cách tiếp cận của ACT giúp thân chủ nhìn được bức tranh toàn cảnh về sức khoẻ tâm lý, so với các phương pháp trị liệu khác như CBT hay DBT. ACT khuyến khích thân chủ nhìn nhận các cơn lo âu như một phản ứng bình thường trước những khó khăn trong cuộc sống, và học cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Khi đón nhận lo âu như một thông điệp và hiểu vì sao các triệu chứng lo âu lại xuất hiện, thân chủ không cần trốn tránh hoặc sợ hãi khi những cơn lo âu ập đến nữa [7].
Trị Liệu Theo Trường Phái Phân Tâm Học
Các nhà tâm lý trị liệu theo trường phái Phân tâm học giúp thân chủ khám phá những cảm xúc và ký ức nằm trong phần vô thức, nhận diện các khuôn mẫu tiêu cực trong suy nghĩ và hành vi, và vượt qua những sang chấn trong quá khứ.
Theo học thuyết phân tâm học của Freud - cha đẻ của trường phái Phân tâm học, các triệu chứng lo âu phản ánh những xung đột trong vô thức. Trong các phiên trị liệu theo trường phái Phân tâm học, thân chủ và nhà tâm lý sẽ cùng khám phá các xung đột thông qua các suy nghĩ, nỗi sợ, cũng như mong muốn của thân chủ. Thân chủ được khuyến khích để chia sẻ tự do về bất cứ thứ gì hiện ra trong đầu họ, không tự “kiểm duyệt" các suy nghĩ của bản thân. Nhà tâm lý giúp thân chủ tiếp cận thế giới vô thức qua những chia sẻ tự do, qua việc nhìn nhận lại các phản ứng, cảm xúc, và cách các suy nghĩ được kết nối, từ đó thân chủ có thể hiểu hơn về cách họ phản ứng với lo âu [8].
Khi Nào Thân Chủ Cần Điều Trị Rối Loạn Lo Âu Kết Hợp Dùng Thuốc?
Không loại thuốc nào có thể điều trị và phòng ngừa rối loạn lo âu dứt điểm. Tuy nhiên, thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng, giúp thân chủ sinh hoạt tốt trở lại.
Một số loại thuốc thường được kê trong các ca rối loạn lo âu có thể kể đến như:
Thuốc chống lo âu (Anti-anxiety) như là benzodiazepines, có thể làm giảm triệu chứng lo âu, hoảng loạn. Chúng có tác dụng nhanh chóng, tuy nhiên người bệnh có thể nhanh chóng bị kháng thuốc, khiến cho tác dụng của chúng thuyên giảm về sau. Bác sỹ tâm thần có thể kê cho người bệnh thuốc chống lo âu sử dụng trong thời gian ngắn, sau đó thay thế hoặc/và bổ sung với thuốc chống trầm cảm.
Thuốc chống trầm cảm (Antidepressants) có thể hỗ trợ trong việc điều trị rối loạn lo âu. Chúng điều chỉnh các não bộ sử dụng một số chất để cải thiện khí sắc và giảm thiểu stress. Thuốc chống trầm cảm có thể cần thời gian để phát huy tác dụng.
Thuốc chẹn beta (Beta-blockers) thường được sử dụng với những người bệnh mắc huyết áp cao, giúp thuyên giảm một số triệu chứng sinh lý của rối loạn lo âu, như là tim đập nhanh hay run rẩy chân tay.
Thân chủ cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị và liều lượng theo chỉ dẫn của bác sỹ. Trong trường hợp có tác dụng phụ hoặc muốn ngưng thuốc, thân chủ nên trao đổi với bác sỹ để có phác đồ phù hợp.
Quy Trình Làm Việc Với Nhà Tâm Lý Tại Viện Tâm Lý Việt - Pháp
Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn giúp nhà tâm lý tìm hiểu về vấn đề, cũng như nguyện vọng và mong muốn của thân chủ khi tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý, từ đó đưa ra lộ trình can thiệp phù hợp. Một số bài kiểm tra có thể được đưa ra để giúp nhà tâm lý hiểu rõ hơn về vấn đề mà thân chủ đang gặp phải. Nếu thân chủ lựa chọn tiếp tục làm việc với nhà tâm lý, cả hai sẽ cùng thống nhất về số buổi, thời gian cho mỗi buổi tham vấn, và mục tiêu sau khi kết thúc lộ trình.
Giai đoạn 2: Nhà tâm lý thực hiện kế hoạch can thiệp, hỗ trợ như đã thống nhất với thân chủ trong giai đoạn 1. Nhà tâm lý sẽ thực hành các kỹ thuật can thiệp đặc thù tùy theo từng trường phái tiếp cận (đã có trao đổi và giới thiệu với thân chủ từ trước). Trong mỗi buổi tham vấn - tư vấn tâm lý, nhà tâm lý sẽ liên tục lắng nghe phản hồi và quan sát sự tiếp nhận của thân chủ để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo hiệu quả sau quá trình can thiệp.
Giai đoạn 3: Kết thúc quá trình tham vấn - tư vấn tâm lý, nhà tâm lý sẽ đưa ra đánh giá tổng kết. Nhà tâm lý cũng dự báo các nguy cơ trong tương lai có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý, từ đó lên kế hoạch phòng ngừa cho thân chủ.
Nếu bạn đang nghi ngờ hoặc có vấn đề tâm lý, hoặc có những băn khoăn về phương pháp điều trị tâm lý phù hợp, hãy liên hệ ngay tới hotline 0977.729.396 trong hôm nay để được tư vấn.
Tham khảo:
[1] What are Anxiety Disorders? American Psychiatric Association.
[2] anxiety disorder. APA Dictionary of Psychology.
[3] Anxiety and panic attacks. mind.org.uk.
[4] Signs and Symptoms of Anxiety Disorders. healthline.com.
[5] CBT for Anxiety: How It Works & Examples. choosingtherapy.com.
[6] DBT for Anxiety. talkspace.com.
[7] What is ACT and Why Does It Provide Relief from Anxiety and Stress? mindease.io.
[8] Psychoanalysis for Anxiety. blog.zencare.co.
-
Viện Tâm lý Việt - Pháp
Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)
Email: info@tamlyvietphap.vn
Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn