Chảy dịch tai có thể xảy ra do chấn thương hoặc nhiễm trùng tai. Đôi khi triệu chứng này thể hiện những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt khi xuất hiện sau chấn thương đầu. Do đó, chảy dịch tai có nguy hiểm không là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này nhé.
Nguyên nhân gây chảy dịch tai
Chảy dịch tai là hiện tượng chảy máu, ráy tai, mủ hoặc dịch từ tai. Dịch này có thể không có mùi hoặc có mùi hôi, có thể đặc hoặc lỏng, màu sắc có màu trong, hơi vàng hoặc xanh lục. Hầu hết chất lỏng rỉ ra khỏi tai đều là ráy tai. Ngoài ra, hiện tượng này có thể xảy ra do chấn thương hoặc nhiễm trùng tai, chẳng hạn như viêm tai giữa. Đôi khi, chảy dịch tai có thể cho thấy tình trạng nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu nó xuất hiện sau khi bị chấn thương đầu. Do đó, rất nhiều người lo lắng rằng liệu chảy dịch tai có nguy hiểm không và cần xử trí như thế nào khi có dịch từ tai chảy ra. Để hiểu thêm về chảy dịch tai, trước hết chúng ta cần phân biệt một số dịch chảy từ tai và các triệu chứng kèm theo.
Có các loại dịch tai như sau:
- Ráy tai: Là chất dịch thường thấy nhất trong tai. Được tạo thành từ dầu, vi khuẩn, da chết, nước đọng lại và lông. Ráy tai giúp bảo vệ tai khỏi các vật thể bên ngoài và vi khuẩn có hại. Việc nhìn thấy một lượng nhỏ ráy tai ở ống tai ngoài là điều bình thường.
- Dịch trong: Dịch chảy tai trong hoặc có thể lẫn chút máu thường do các vấn đề về da. Những vấn đề này thường xuất phát từ vùng da bên trong tai, chẳng hạn như bệnh chàm hoặc tai của người bơi lội. Trong hầu hết các trường hợp, dịch tai chảy ra là do vết thương chảy nước. Vấn đề về da sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày. Đôi khi, dịch tai trong là dấu hiệu của thủng màng nhĩ hoặc rò dịch não tủy.
- Dịch mủ đục: Dịch tai chảy ra đục, màu trắng vàng hoặc giống mủ có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai hoặc thủng màng nhĩ. Mủ do nhiễm trùng có thể có mùi hôi.
- Dịch máu: Chất lỏng màu đỏ tươi chảy từ tai là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng và cần được tới bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Chảy máu tai có thể do có dị vật trong tai, tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em hoặc do thủng màng nhĩ, cũng có thể là dấu hiệu của chấn thương đầu. Một số tình trạng bệnh lý có thể khiến dịch máu chảy ra từ tai, chẳng hạn như ung thư, những người đang dùng thuốc chống đông máu như aspirin hoặc coumadin (warfarin).
Các triệu chứng đi kèm khi chảy dịch tai thường bao gồm:
- Đau tai;
- Ngứa;
- Ù tai.
Một số người bệnh có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Sốt;
- Đỏ vùng da quanh tai;
- Mất thính giác;
- Một số rối loạn từ hệ thống thần kinh, chẳng hạn như khó nuốt, nói hoặc nhìn;
- Chóng mặt.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau một chấn thương vùng đầu gần đây.
Chảy dịch tai có thể đi kèm với rất nhiều các triệu chứng đa dạng, xuất hiện trong nhiều bệnh cảnh khác nhau. Các nguyên nhân gây chảy dịch tai thường gặp bao gồm:
- Thủng màng nhĩ;
- Viêm tai giữa (cấp tính và mãn tính);
- Viêm tai ngoài (chẳng hạn như viêm tai khi bơi lội hoặc nhiễm nấm trong ống tai);
- Dị vật trong tai.
Một số nguyên nhân gây chảy dịch tai ít phổ biến hơn bao gồm:
- Cholesteatoma;
- Vỡ xương nền sọ;
- Ung thư ống tai;
- Viêm tai ngoài ác tính (hoại tử do nhiễm trùng nặng ở ống tai ngoài và nền sọ).
Chảy dịch tai có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, chất dịch chảy ra từ tai là ráy tai. Cơ thể sản xuất ráy tai để bảo vệ và làm sạch đôi tai của bạn. Vì vậy, hầu hết các trường hợp việc ráy tai chảy ra ngoài ống tai đều không có gì đáng lo ngại. Ráy tai thường sẽ có màu vàng, hơi lỏng, chảy ra ngoài ống tai một cách tự nhiên để ngăn bụi, vi khuẩn và các dị vật khác xâm nhập vào trong tai của bạn. Tuy nhiên, một số trường hợp dịch lỏng khác như máu chảy ra thường là dấu hiệu của thủng màng nhĩ.
Do đó, điều quan trọng là bạn cần biết được khi nào vấn đề này trở nên nguy hiểm. Một số triệu chứng kèm theo khi bị chảy dịch tai sẽ phản ánh nguyên nhân gây bệnh. Các nguyên nhân thường liên quan tới nhiễm trùng, chấn thương và bệnh lý ác tính. Để biết chính xác nguyên nhân gây chảy dịch tai, bạn cần tới cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ dựa trên tính chất chảy dịch tai và các triệu chứng kèm theo của bạn, kết hợp với một số xét nghiệm phù hợp để đưa ra kết luận và hướng điều trị phù hợp nhất.
Khi nào chảy dịch tai cần tới bệnh viện?
Để biết được vấn đề chảy dịch tai có nguy hiểm không, bạn sẽ cần tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám nếu tình trạng chảy dịch tai của bạn có những bất thường như sau:
- Dịch chảy từ tai có màu trắng, vàng, trong hoặc có máu;
- Chảy dịch tai xuất hiện sau một chấn thương;
- Chảy dịch tai kéo dài trên 5 ngày;
- Có cơn đau tai dữ dội;
- Chảy dịch tai có liên quan đến các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hoặc nhức đầu;
- Có tình trạng mất thính giác;
- Có vết đỏ hoặc sưng tấy ở ống tai.
Bên cạnh việc thăm khám, một số các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh sẽ cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân của chảy dịch tai, bao gồm:
- Đo thính lực: Bài kiểm tra giúp xác định phạm vi và độ nhạy của thính giác.
- Chụp CT: Xét nghiệm hình ảnh này có thể cho bác sĩ chuyên khoa biết về tình trạng lan tỏa nhiễm trùng vùng tai của bạn.
- Cộng hưởng từ (MRI): Nếu bạn bị chảy dịch tai kéo dài sau chấn thương đầu, bác sĩ có thể sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ để phát hiện tình trạng rò dịch não tủy.
- Kiểm tra dây thần kinh sọ: Nếu chảy dịch tai liên quan tới chấn thương vùng đầu gần đây hoặc nếu bạn gặp tình trạng khó khăn khi nhìn, nuốt hoặc nói.
- Nuôi cấy: Bác sĩ điều trị có thể lấy mẫu dịch chảy từ tai của bạn và xem liệu có vi khuẩn hoặc nấm phát triển từ đó hay không.
Như vậy, nếu bạn lo lắng về việc chảy dịch tai có nguy hiểm không khi có những dấu hiệu bất thường, bạn nên tới thăm khám tại chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị tối ưu. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm hoặc kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ tai, hoặc cũng có thể được dùng bằng đường uống nếu thủng màng nhĩ do nhiễm trùng tai gây chảy dịch.
Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân và dấu hiệu nguy hiểm của chảy dịch tai, hi vọng rằng bài viết sẽ đem lại thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xem thêm:
- Cảm giác tai bị bít là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
- Đau sau tai nguyên nhân do đâu? Có nguy hiểm không?