1. Vì sao bị mụn trong tai?
Cũng như nhiều vùng da ở nơi khác, da ở tai ngoài cũng có một lượng chất béo, còn da trong ống tai lại có tế bào lông, tuyến tiết bã nhờn. Khi các tuyến này tiết ra quá nhiều bã nhờn, lúc đó mụn trong tai có thể xuất hiện. Mụn trong tai cũng có thể do vi khuẩn hoặc tế bào da chết đọng lại trong lỗ chân lông.
Ngoài ra, mụn trong tai cũng sẽ hình thành khi vi khuẩn làm tắc nghẽn lỗ chân lông hoặc bã nhờn trong tai không thể thoát ra ngoài. Nhìn chung, nguyên nhân khiến cho vi khuẩn, bã nhờn tích tụ trong tai và gây ra mụn là do:
- Thói quen dùng ngón tay để ngoáy tai, hoặc dùng dụng cụ ngoáy tai không được sát khuẩn kỹ lưỡng
- Thường xuyên sử dụng tai nghe và tai nghe bẩn, không được vệ sinh
- Sống và lao động trong môi trường bị ô nhiễm, có nhiều khói bụi, bụi bẩn
- Thường xuyên bị nước vào tai
- Bị căng thẳng, cơ thể mất cân bằng nội tiết tố (giai đoạn dậy thì, mang thai, ...) làm xuất hiện mụn trong tai cũng như nhiều nơi khác
- Dị ứng do tiếp xúc với mỹ phẩm hoặc nhiễm trùng do xỏ khuyên tai
- Thường xuyên phải đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ che nắng làm chất bẩn, vi khuẩn tích tụ trong tai
2. Mụn trong tai có nguy hiểm không?
Mụn trong tai có thể gây đau nhức trong tai rất khó chịu, nếu không được xử trí, mụn trong tai có thể dẫn đến biến chứng khó lường, chẳng hạn như nhiễm trùng, kích ứng vùng da tai và dẫn đến việc hình thành các nốt sần hoặc u nang trong tai.
Khi mụn gây sưng đau trong tai, đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề khác dễ bị nhầm lẫn với mụn trong tai như:
- U hạt: Đó là những mảng da có màu đỏ và sờ vào thấy mềm, thường do đeo kính gây ra.
- Sẹo lồi: Đó là những nốt có màu tím hoặc đỏ, kèm theo vết bớt nhỏ và do protein gây ra.
- Dày sừng trên da do tiết bã: Đó là những lớp sừng dày và phẳng có màu nâu nhạt xuất hiện trên da do quá trình tiết bã.
- U nang epidermoid: Đó là những khối u nhỏ nằm ở dưới da, thường bị nhầm với u nang bã nhờn. Những khối u này rất chậm phát triển.
- Ung thư biểu mô tế bào đáy: Đó là một loại ung thư da, thường bị nhầm với mụn nhọt.
Mụn trong tai nếu sưng và làm vùng da xung quanh bị đau nhức khó chịu, kéo dài thì người bệnh nên thăm khám bác sĩ da liễu để được xử trí kịp thời.
3. Xử trí khi bị mụn trong tai
Nhiều người có thói quen nặn mụn, kể cả mụn trong tai. Mặc dù cách này có thể giúp loại bỏ mụn nhanh chóng nhưng cũng có thể khiến cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi lúc đó vi khuẩn và mụn mủ (nếu có) sẽ đi sâu hơn vào lỗ chân lông và dẫn đến kích ứng da, đóng vảy và để lại sẹo. Nặng hơn, có thể gây nhiễm trùng và trở thành mụn nhọt. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau và cần phải điều trị bằng phương pháp chữa mụn nhọt.
Để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nêu trên, khi thấy mụn trong tai, trước tiên bạn cần xử trí:
- Chườm ấm (bằng miếng giữ nhiệt hoặc gạc ấm) giúp giảm viêm và hạn chế tình trạng vùng da ở tai bị kích ứng. Hơn thế nữa, đây cũng là cách làm mềm mụn và giúp nhân mụn nhanh chóng trồi ra bên ngoài nhanh hơn mà ít người biết đến.
- Khi mụn trong tai bị vỡ, bạn có thể dùng miếng bông gòn có tẩm các chất sát trùng như iod povidine hoặc cồn để lau sạch, để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
Nếu xử trí mụn trong tai theo các cách trên tại nhà mà không hiệu quả, có thể bạn cần thăm khám bác sĩ da liễu để đánh giá chính xác loại mụn và mức độ. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc loại bỏ mụn trong tai phù hợp và tránh không gây ra sẹo.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của mụn, từ nhẹ đến vừa, nặng hay nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc bôi ngoài da trị mụn có chứa các chất như tretinoin, benzoyl peroxide, kháng sinh (điều trị vi khuẩn gây mụn), oxy già để sát khuẩn vết thương và uống thuốc giảm đau, Thuốc chống viêm không chứa steroid. Đối với một số trường hợp mụn mủ, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật rạch dẫn lưu mủ ra ngoài.
4. Phòng ngừa bị mụn trong tai
Mụn trong tai có thể được phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh tai sạch sẽ, cách làm như sau:
- Dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để rửa, làm sạch tại, giúp loại bỏ bã nhờn và tế bào da chết ở tai ngoài cũng như trong ống tai.
- Hạn chế để dị vật hoặc bụi bẩn lọt vào tai gây nhiễm trùng.
- Thường xuyên vệ sinh tai nghe, hạn chế việc đeo tai nghe nếu không cần thiết.
- Không tắm hoặc đi bơi ở những nơi có vùng nước bị ô nhiễm hoặc nhiễm bẩn.
- Để tai được thông thoáng, tránh bịt kín tai bằng mũ che nắng, mũ trùm đầu hoặc mũ bảo hiểm trong thời gian dài.
Nếu bị mụn trong tai kèm theo những biểu hiện sau, tốt nhất người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được xử trí kịp thời:
- Mụn thường xuyên xuất hiện, kéo dài và dai dẳng
- Mụn gây sưng đau dữ dội bên trong tai
- Mụn gây đau nhức tai khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn, bị sốt
Mụn trong tai có thể không nguy hiểm nhưng đôi khi lại gây khó chịu. Cách xử trí tại nhà là chườm ấm và sát khuẩn vùng da bị mụn. Nếu thấy mụn thường xuyên tái phát và ảnh hưởng đến sinh hoạt, bạn nên thăm khám bác sĩ da liễu để được điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.