NGÀNH KỸ THUẬT TÀU THỦY
Chuyên ngành KỸ THUẬT TÀU THỦY, CÔNG TRÌNH NỔI VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÔNG NGHIỆP
- Mã ngành xét tuyển: 7520122 (Chương trình tiên tiến)
- Tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07
__________________________________
Chuyên ngành KỸ THUẬT TÀU THỦY, CÔNG TRÌNH NỔI VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÔNG NGHIỆP
“CÔNG NGHIỆP THEN CHỐT CHO CÔNG NGHIỆP HÓA HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC”
1. GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH
Chiến lược phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển luôn đòi hỏi phải có một ngành công nghiệp đóng tàu biển và công trình nổi phát triển. Nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ trong thiết kế, sản xuất, bảo trì, sửa chữa tàu thủy và công trình nổi luôn đặt lên hàng đầu. Với mục tiêu tiếp cận và làm chủ thiết kế, đóng mới các tàu và công trình nổi hiện đại, ngành sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước
Sinh viên tốt nghiệp của ngành Kỹ thuật tàu thủy (chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy, công trình nổi và quản lý hệ thống công nghiệp) đã và đang đáp ứng được nhu cầu khát nhân lực trong thiết kế, chế tạo, vận hành các trang thiết bị, tàu thủy, nhà giàn, tàu chứa ngoài khơi với mức lương hấp dẫn. Hàng năm các công ty thiết kế, giám sát, nhà máy đóng và sửa chữa tàu, doanh nghiệp Cơ khí chế tạo giàn như PTSC M&C, PVC MS, Alpha ECC, liên doanh Vietso Petro, PV Shipyard… luôn tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và đây cũng chính là nguồn nhân lực dự kiến sau khi ra trường sẽ quay trở lại làm việc. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đóng tàu, đóng giàn và chế tạo thiết bị cho thị trường trong nước mà đã có nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, trong đó có cả các thị trường khó tính như Mỹ và khối EU, trung đông. Đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy tương lai tươi sang của ngành dầu khí nói riêng và Kỹ thuật công trình ngoài khơi nói chung.
Người học sẽ được cung cấp những kiến thức cập nhật về kỹ thuật tàu thủy, công trình nổi các công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực, đồng thời thời trang bị các kiến thức trong việc quản lý hệ thống công nghiệp một cách hiệu quả.
Với định hướng đào tạo ứng dụng, trong suốt thời gian học tập tại trường, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên môn, được tiếp cận với các công ty sản xuất, các dự án thông qua hoạt động thực tế, điều này sẽ giúp sinh viên tiếp cận sớm môi trường việc làm, định hướng vị trí nghề nghiệp sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, UTH là môi trường năng động, rất nhiều các câu lạc bộ sinh viên trong các lĩnh vực học thuật, nghiên cứu khoa học, âm nhạc, thể thao, văn hóa là nơi sinh viên phát huy tốt thế mạnh, sức sáng tạo của bản thân.
2. TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH KỸ THUẬT TÀU THỦY
Việt Nam có đường bờ biển dài 3260 km đứng thứ 27 trên thế giới với diện tích mặt biển 1.000.000 km2 chiếm 29% diện tích của toàn Biển Đông. Nhận thức được tiềm năng to lớn của biển. Ngành Kỹ thuật tàu thuỷ, công trình nổi và quản lý hệ thống công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển.
Đội tàu nước ta hiện nay và các công trình khoan, thăm dò địa chất chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển cũng như phát triển kinh tế biển. Đó là một thách thức lớn cho các nhà quản lý, thiết kế, đóng tàu và công trình nổi. Vì vậy, Việt Nam cần phải nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, công nghệ để phát triển mạnh đội tàu và công trình nổi nước nhà. Nhu cầu phát triển nguồn nhân lực có trình độ trong thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu thủy và công trình nổi cũng mang một sứ mệnh tương ứng. Với mục tiêu tiếp cận và làm chủ công nghệ thiết kế, đóng mới tàu và công trình nổi hiện đại.
Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM là điểm đến rất phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu này với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, các chuyên gia có trình độ cao về kỹ thuật tàu thủy và công trình nổi và quản lý hệ thống công nghiệp.
3. VỊ TRÍ VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN SAU KHI RA TRƯỜNG
Chương trình đào tạo Kỹ thuật tàu thủy, công trình nổi và quản lý hệ thống công nghiệp trang bị cho sinh viên những năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang rất đa dạng. Sinh viên có thể làm việc tại các công ty, nhà máy các cơ quan quản lý nhà nước, trường viện nghiên cứu với các vị trí làm việc phù hợp với chuyên môn:
- Phân tích, thiết kế các công trình tàu thuyền và công trình nổi từ nhỏ đến tầm cỡ quốc tế.
- Giám sát, thi công các công trình, nhà máy đóng và thi công công trình biển.
- Vận hành khai thác, bảo trì các máy móc trên các công trình và trong nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển và công trình nổi
- Cán bộ quản lý tại các công ty, các cơ quan quản lý Nhà nước bộ ngành về giao thông đường biển
- Chuyên gia thiết kế tại những công ty tư vấn thiết kế, các nhà máy đóng mới, sửa chữa công trình biển; các doanh nghiệp của Nhà nước về quy chuẩn an toàn đường thủy của Bộ Giao thông vận tải, ….
- Chuyên gia nghiên cứu, chế tạo các thiết bị ngành công trình nổi tại viện nghiên cứu và các tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công trình nổi như North Oil Company (Qatar),…..v..v…
- Tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại những trường đại học, những viện nghiên cứu trong lĩnh vực cơ khí công trình nổi.
- Cán bộ vận hành tại các trung tâm, các công ty đóng mới và sử chữa tàu biển và công trình nổi tại các tỉnh thành trong cả nước.
- Cán bộ thiết kế tại các công ty tư vấn thiết kế, xây lắp, đóng mới, sửa chữa, các nhà máy, các doanh nghiệp, tư nhân và nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải;
- Các công ty thiết kế tư nhân, công ty liên doanh nước ngoài, công ty nước ngoài trong lĩnh vực công trình nổi và quản lý công nghiệp
- Cán bộ nghiên cứu, thiết kế, vận hành tại các tập đoàn trong và ngoài nước trong lĩnh vực kỹ thuật công trình ngoài khơi;
- Các tổ chức phân cấp và giám sát kỹ thuật đóng mới tàu thủy và công trình biển như Đăng kiểm VR, Đăng kiểm DNV-GL, Đăng kiểm NK, …v..v…..
- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu.
- Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp ra trường đang có xu hướng đáp ứng các lĩnh vực thiết kế, chế tạo tàu thuyền nhỏ, bến nổi, các du thuyền phục vụ nhu cầu khai thác du lịch, vui chơi giải trí, các phương tiện thủy thông minh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đang được thế giới quan tâm.
Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy, công trình nổi và quản lý hệ thống công nghiệp của UTH cũng có thể tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi bằng cấp sang các ngành lân cận, hoặc học lên bậc cao hơn trong ngành kỹ thuật cơ khí và các ngành khác thuộc khối ngành kỹ thuật, như chương trình Thạc sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí ngay tại UTH.
Ngoài ra, sinh viên có nhiều cơ hội nhận được học bổng toàn phần chương trình đào tạo lĩnh vực kỹ thuật của một số nước khác. Hiện tại, có 3 sinh viên nhận học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ tại đại học Changwon Hàn Quốc, 1 sinh viên đang hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Hải Dương Đài Loan.
4. NHU CẦU VIỆC LÀM
Theo khảo sát, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành ngay từ năm đầu tiên đạt trên 90%. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp đặt hàng với Trường để tiếp nhận sinh viên chuyên ngành về làm việc, trong đó có cả doanh nghiệp đóng tàu nước ngoài. Số sinh viên mới ra trường đã làm cho các công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài nước: Công ty Thăm dò điều hành khai thác dầu khí trong nước, Công ty Vina Tak, Công ty Hà Kiều, Công ty PTSC M&C, Vietsovpetro, Shinsei Vietnam, Khí điện đạm Cà Mau, Vard Vũng tàu, Alpha CC, Công ty TNHH LAMASG, PVC MS, PV Ship Yard, Bluetech, Austal, N-Wave, Du thuyền Corsair, Triac, Piriou… các công ty trong lĩnh vực tàu thủy và công trình nổi tại Nhật Bản chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, từ năm 2015, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực ngành Kỹ thuật tàu thủy đã tham gia vào thị trường lao động Việt Nam nên nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ đóng tàu thuỷ là rất cao.
Trong 2 năm gần đây, nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật tàu thủy trở nên khan hiếm trầm trọng, số lượng sinh viên ra trường không đủ để đáp ứng được sự khát nhân lực của xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến sinh viên hơn, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên thực tập có trả lương, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ khi sinh viên chưa ra trường. Đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng, sinh viên ngày càng có động lực học tập thật tốt
5. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chương trình đào tạo bao gồm 120 tín chỉ (29 tín chỉ Kiến thức Giáo dục Đại cương và 91 tín chỉ Kiến thức Giáo dục Chuyên nghiệp) được phân bổ thành 8 học kỳ (01 học kỳ thực tập và làm Luận văn tốt nghiệp) và được thiết kế theo hướng sát với các công việc thực tế nhằm giúp cho người học có được một nền tảng kiến thức vững chắc và sâu rộng về nhiều lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật tàu thủy, công trình nổi nói riêng.
Các kiến thức được trang bị trong quá trình học:
Trong quá trình học tập, sinh viên được trang bị các kiến thức đại cương, kiến thức về cơ sở ngành, các nguyên lý cơ bản về cơ học, kết cấu, vật liệu, sức bền; sau đó là các kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành như tính toán thiết kế, kỹ thuật và tổ chức thi công; phân tích kinh tế, quản lý các dự án đóng tàu và công trình nổi…
- Ngay từ năm đầu tiên, sinh viên đã được trang bị kiến thức nền tảng về tàu thủy với học phần Nhập môn kỹ thuật tàu thủy, cùng với Tin học đại cương, Toán cao cấp, Vật lý, Vẽ kỹ thuật, và Pháp luật đại cương giúp sinh viên có được hiểu biết về ngành và các kỹ năng mềm cần thiết phục vụ học tập thật tốt cho những năm sau.
- Năm thứ 2 sinh viên được trang bị các kiến thức cơ sở ngành như Cơ học lý thuyết, Sức bền vật liệu, Cơ học kết cấu, Cơ học thủy khí ứng dụng trong kỹ thuật tàu thủy, đặc biệt là Lý thuyết tàu 1, trang bị cho sinh viên những kiến thức về các yếu tố tính nổi, cân bằng, ổn định tàu, đặt nền móng vững chắc cho Ngành. Trong quá trình học, sinh viên được hướng dẫn sử dụng các phần mềm tính toán, mô phỏng hiện đại như SAP 2000, ANSYS, SACS, MAXSURF đây là những kỹ năng quan trọng để giải quyết các bài toán kỹ thuật nói chung và Kỹ thuật tàu thủy nói riêng. Sinh viên được thực hành Cơ khí, tàu thủy như kỹ năng tiện, bào, phay, cắt hàn tương đương thợ bậc 3/7 tại Xưởng thực hành Cơ khí của Viện Cơ khí.
- Năm thứ 3, sinh viên tiếp tục được trang bị hàng loạt các các kiến thức về ngành như Sức bền tàu; Tin học ứng dụng; Mỹ thuật thiết kế; Kết cấu, công nghệ đóng tàu và công trình nổi. Thông qua bài tập lớn và đồ án môn học, sinh viên được trang bị kỹ năng tính toán, phân tích thiết kế và thuyết trình, hoàn thiện cơ bản nội dung chuyên ngành với đợt thực tập tại nhà máy, theo phương châm Học đi đôi với hành. Kỹ năng mềm được lồng ghép vào các học phần chuyên ngành như kỹ năng trình bày, kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, kỹ năng viết, kỹ năng bảo vệ dự án, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng lãnh đạo. Thông qua các đồ án, bài tập lớn theo nhóm, sinh viên có thể phối hợp tốt với nhau để hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu của học phần.
- Năm thứ 4, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu của ngành theo định hướng chuẩn đầu ra lĩnh vực thiết kế, công nghệ hay công trình ngoài khơi, đây có thể coi là những kiến thức, kỹ năng quan trọng trước khi ra trường. Học kỳ 8, sinh viên được thực tập tại cơ sở sản xuất, thời gian thực tập hiện nay được kéo dài hết cả học kỳ (từ 3,5 đến 4 tháng) nhằm giúp sinh viên có nhiều thời gian tiếp cận thực tế, tích lũy kinh nghiệm quản lý, sản xuất, thiết kế, đồng thời lồng ghép với các học phần chuyên sâu. Và quan trọng hơn cả là học phần tốt nghiệp, sinh viên được làm khóa luận tốt nghiệp ngay tại nhà máy với các đề tài gắn liền thực tế, được sự hướng dẫn phối hợp giữa thầy cô và các kỹ sư giàu kinh nghiệm của nhà máy. Trong thời gian này, sinh viên đã làm quen với môi trường làm việc tại doanh nghiệp, với việc thực tập có trả lương, sinh viên được làm việc thực tế, có trách nhiệm với công việc học tập cao hơn trước đây, nhiều sinh viên đã có việc làm ngay khi chưa nhận bằng tốt nghiệp.
Ngoài các kiến thức và kỹ năng được trang bị, tiếng Anh chuyên ngành cũng được đưa vào lồng ghép với các học phần chuyên ngành, sinh viên có thể dùng tiếng Anh chuyên ngành phục vụ công việc ngày một tốt hơn, tăng khả năng hội nhập, đây là sự thay đổi đáng kể, phù hợp với trong triết lý giáo dục của trường: Kiến thức, kỹ năng, sáng tạo, hội nhập.
Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết với ngành và có trình độ cao, nhiều thầy cô đã và đang tham gia các dự án thực tế nên chất lượng đào tạo ngành luôn được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, điều này cũng phù hợp với Giá trị cốt lõi của trường: Đoàn kết, nhân văn, chất lượng, sáng tạo, hội nhập.
Kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp:
- Tính toán, thiết kế tàu thủy và công trình nổi
- Tư vấn, thiết kế các dự án tàu thủy và công trình nổi
- Quản lý, vận hành và bảo dưỡng trong lĩnh vực kỹ thuật tàu thủy và công trình nổi
- Thiết kế, quản lý, vận hành hệ thống tàu thủy, công trình nổi nói riêng và hệ thống công nghiệp nói chung;
- Quản lý, giám sát, thi công xây lắp các công trình nổi, các dự án giàn khai thác dầu khí
- Nhận thức tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí
- Phân tích, giải thích và lập luận giải quyết các vấn đề kỹ thuật công trình nổi
- Thực nghiệm và khám phá tri thức các vấn đề kỹ thuật công trình nổi
- Khả năng tư duy và suy nghĩ hệ thống đến các vấn đề kỹ thuật công trình nổi
- Thực hiện thành thạo các kỹ năng nghề trong lĩnh vực kỹ thuật công trình nổi
- Kỹ năng về Tin học chuyên ngành, phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực kỹ thuật công trình nổi
- Kỹ năng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu chuyên ngành và hội nhập quốc tế
Sinh viên tham quan nhà máy Alpha ECC (Vũng Tàu)
Sinh viên tham gia kiến tập tại nhà máy X51 tại Tp Hồ Chí Minh
Cấu trúc của chương trình đào tạo
Kiến thức giáo dục đại cương: 22 tín chỉ
- Pháp luật đại cương
- Triết học Mác - Lênin
- Kinh tế chính trị Mác - Lênin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam
- Phương pháp nghiên cứu
- Quản trị học
- Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 77 tín chỉ
Cơ sở ngành
- Hình họa - Vẽ kỹ thuật
- Cơ học lý thuyết
- Kỹ thuật nhiệt
- Sức bền vật liệu 1
- Nguyên lý và Chi tiết máy
- Nhập môn ngành Kỹ thuật tàu thủy
- Điện tàu thủy
- Thực tập xưởng cơ khí
- Cơ học thủy khí ứng dụng trong Kỹ thuật tàu thủy
- Cơ kết cấu - Lý thuyết đàn hồi
- Lí thuyết tàu 1 (tĩnh học TT)
- Thực tập kỹ thuật
- Vẽ tàu và tin học ứng dụng
- Công ước quốc tế
- Hệ thống định vị - neo công trình dầu khí
- Hàn tàu và CTNK
- Kết cấu tàu thủy và CTNK
- Công nghệ đóng mới tàu thuỷ và CTNK
Kiến thức chuyên ngành
Bắt buộc
- Thiết bị tàu thủy và CTNK
- Công nghệ sửa chữa tàu thủy và CTNK
- Mỹ thuật và thiết kế tàu thủy
- Công nghệ CAD/CAM/CNC
- Lí thuyết tàu 2 (ĐLTT)
Tự chọn
- Hệ thống tàu và đường ống CTNK
- Kỹ thuật an toàn và đo lường, điều khiển
- Phương pháp tính
- Ăn mòn, bảo vệ tàu thủy và CTNK
- Đổi mới sáng tạo và Tư duy thiết kế
- Dung sai và Kỹ thuật đo, thử tàu
- Thiết bị năng lượng tàu thủy
- Phân tích độ bền kết cấu tàu
- Phương pháp phần tử hữu hạn
- Rung động tàu thuỷ
- Sức bền tàu
- Quản lý dự án
- Quản trị sản xuất trong đóng tàu
Thực tập và tốt nghiệp: 11 tín chỉ
Tổng số tín chỉ: 120 tín chỉ
Website HÀNG HẢI: https://ma.ut.edu.vn/