- Neville Chamberlain: Người nuôi lớn một con quái vật
Nhờ đó, khi chỉ tham gia "cuộc chơi" vào giai đoạn cuối, họ đã có đủ thời gian chuẩn bị để thực sự trở thành một tác nhân quan trọng của phe chiến thắng.
Một cánh cửa mở về hai phía
Đó là thời điểm cái bóng u ám của chiến tranh đã bắt đầu mờ mờ hiện ra ở chân trời, khi hàng loạt chính phủ cực hữu mới thành lập ở châu Âu bắt đầu "nhe nanh múa vuốt". Trong đó, dĩ nhiên, thí dụ điển hình là nước Đức Quốc xã của Adolf Hitler.
Tháng 3-1935, Hitler tuyên bố: Nước Đức sẽ ngừng tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Versailles (hiệp ước kết thúc Đại chiến thế giới lần thứ nhất), chính thức tái vũ trang quân đội, thúc đẩy điên cuồng sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng, trong sự thờ ơ (hoặc đúng hơn là né tránh) của hai đại cường Anh - Pháp.
Trong khi đó, hai đại cường ấy lại vẫn chĩa những mũi nhọn thù địch về phía Liên bang Xôviết - vốn chẳng giữ nhiều ẩn ức cũng như tâm lý thù hận như người Đức vẫn chưa nuốt trôi nỗi nhục chiến bại trong Đệ nhất Thế chiến.
Thế cục ấy hứa hẹn rất nhiều xáo trộn trong tương lai gần, với những sự va chạm dữ dội của các khối quyền lực châu Âu.
Franklin D.Roosevelt dường như lường trước được những kịch bản xấu nhất có thể xảy đến. Ông không muốn nước Mỹ mạo hiểm dính dáng vào những mối quan hệ phức tạp đầy xung đột ở cựu lục địa - điều rõ ràng là chẳng lợi lộc gì. Hoặc sâu xa hơn, nếu bắt buộc phải can dự vào những cuộc xung đột dữ dội đó, ông muốn nước Mỹ có cơ sở để xuất hiện ở thời điểm thích hợp nhất.
Và bởi vậy, ngày 31-8-1935, Đạo luật Trung lập (hay còn gọi là Nghị quyết chung số 173 của Thượng viện Mỹ) được ký, như "một cách thể hiện mong muốn ngăn chặn bất cứ hành động nào có thể khiến Hoa Kỳ tham chiến", theo cách diễn giải của chính Franklin D.Roosevelt.
Ngay sau khi ký văn bản đó, F.D.Roosevelt công khai tuyên bố: Luật mới sẽ yêu cầu các tàu của Mỹ phải có giấy phép nếu muốn mang vũ khí, đồng thời hạn chế người Mỹ đi trên những tàu đến từ các quốc gia thù địch và áp đặt lệnh cấm bán vũ khí cho các quốc gia "hiếu chiến".
Phần đông giới quan sát cho rằng từ "hiếu chiến" được dùng để ám chỉ nước Đức của Adolf Hitler và nước Ý của Benito Mussolini. Bản tuyên bố cũng sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để cảnh báo các quốc gia khác rằng Mỹ sẽ tăng cường tuần tra, nhằm phát hiện các tàu ngầm ngoại quốc đang ẩn nấp trong vùng biển của họ.
Có điều, F.D.Roosevelt vẫn mở sẵn một "đường thoát hiểm", khi nhấn mạnh rằng: Nước Mỹ sẽ không thể lường trước được các tình huống trong tương lai có thể làm họ thay đổi lập trường trung lập. "Lịch sử chứa đầy các tình huống không thể lường trước, đòi hỏi cần phải hành động linh hoạt", và vì thế, Roosevelt lập luận: Đạo luật này sẽ không ngăn cản Hoa Kỳ hợp tác với những "chính phủ khác có cùng quan điểm để thúc đẩy hòa bình".
Nói cách khác, Đạo luật Trung lập là một cánh cửa lật có thể mở về cả hai phía, tùy theo những thay đổi trong chiến lược đối ngoại của nước Mỹ. Nó vẫn là biểu tượng của "chủ nghĩa biệt lập Mỹ", nhưng cũng vẫn đi kèm các lựa chọn để bảo vệ sự an toàn cho chính mình hay giúp đỡ các đồng minh.
Những bước đi tiếp nối
Trong những năm kế tiếp, Đạo luật Trung lập quả thực đã được sửa đổi thêm nhiều lần, với mục tiêu duy nhất: Bảo vệ lợi ích cốt lõi trên toàn cầu của nước Mỹ, dưới cái vỏ "chủ nghĩa biệt lập" hay "trung lập".
Tháng 5-1937, các điều khoản được siết chặt thêm nữa. Theo đó, không chỉ cấm bán vũ khí và cấm cho các nước tham chiến vay tiền, mà còn cho Tổng thống Mỹ các quyền sau: cấm người Mỹ không được di chuyển bằng tàu của bất kỳ nước tham chiến nào; cấm bất kỳ tàu Mỹ nào chở hàng hóa của Mỹ đến một nước tham chiến, dù là hàng hóa phi quân sự, và quyền yêu cầu một nước tham chiến trả tiền cho hàng hóa phi quân sự của Mỹ trước khi giao hàng. Có thể thấy, lợi ích kinh tế của nước Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh cận kề, đã được bảo vệ kỹ càng đến thế nào trước mọi rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đến tháng 9-1939, khi Đệ nhị Thế chiến chính thức bùng nổ, những điều chỉnh đã khiến Đạo luật Trung lập không còn quá "trung lập" nữa. F.D.Roosevelt đã yêu cầu Quốc hội Mỹ sửa đổi, cho phép bán vũ khí cho những nước đang bị Đức Quốc xã bao vây và tấn công. Sau những cuộc tranh luận căng thẳng, đề xuất ấy đã được Quốc hội Mỹ chấp thuận và thông qua.
Bên cạnh đó, cũng trong tháng 9-1939, khi đề cập tới triển vọng tham chiến của quân đội Mỹ, F.D.Roosevelt tuyên bố: Lãnh hải của Mỹ là một vùng trung lập. Do đó, bất cứ nước thù địch nào sử dụng những vùng biển này để tiến hành cuộc chiến cũng sẽ bị xem là "không thân thiện" và "cố tình công kích". Đó đã có thể xem là một bước "chọn phe" kín đáo nhưng rõ ràng nữa, bởi Mỹ chính là nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho cả nước Anh đang bị bao vây, và Liên Xô đang giằng co gay gắt với quân Đức tại mặt trận phía Đông.
Cuối cùng, sau sự kiện tàu khu trục Reuben James của Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm vào tháng 10-1941, Đạo luật Trung lập đã không còn được áp dụng. Đến tháng 11-1941, tàu buôn Mỹ đã không chỉ được phép trang bị vũ khí để tự vệ, mà còn được phép vào lãnh hải châu Âu. Từ đây, Mỹ xem như đã bước một chân vào cuộc chiến.
Cho tới thời điểm đó, cả hai phe tham chiến đều đã khá mệt mỏi và kiệt quệ sau những chiến dịch giao tranh đẫm máu kéo dài từ năm này qua năm khác. Ngược lại, quốc lực cũng như quân lực của nước Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Nhìn xa hơn, suốt từ Đệ nhất Thế chiến, lãnh thổ Mỹ cũng chưa hề bị bom đạn tàn phá. Cũng như hồi đó, đến năm 1941, nước Mỹ đã sẵn sàng vào trận.
Ở khía cạnh này, Đạo luật Trung lập có giá trị như một chiếc mỏ neo vô hình kìm giữ để bảo vệ sinh lực cho nước Mỹ, cho đến tận khi hải quân - không quân Nhật Bản bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng, tạo nên một cái cớ chính đáng để khơi dậy tinh thần ái quốc nhiệt thành cho cả đất nước rộng lớn đó.
Dù chỉ là tạm thời "đóng cửa phòng thân", chủ nghĩa biệt lập được thể hiện ở những bản đầu tiên của Đạo luật Trung lập cũng mang một vai trò nền tảng cho những động thái khuếch trương sau này, mà điểm nhấn là sự hiện diện trong "vai chính" ở Cuộc đổ bộ Normandy, Hội nghị Yalta hay Hội nghị Postdam (các hội nghị phân định thế giới sau Đệ nhị thế chiến).
Hiện tại, đã bốn năm qua, bóng dáng của thứ chủ nghĩa biệt lập ấy đã được tô đậm trở lại dưới những khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết!" hay "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của đương kim Tổng thống Donald Trump - người từ chối thực hiện mọi cam kết đa phương.
Phi Hồ
* Cha đẻ của "chủ nghĩa biệt lập Mỹ" được cho là Tổng thống James Monroe. Trong Học thuyết Monroe mà ông trình bày ngày 2-12-1823 trước Quốc hội Mỹ, những nỗ lực trong tương lai của các nước châu Âu nhằm lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, và như vậy đòi hỏi sự can thiệp của nước Mỹ. Ngược lại, Mỹ không những sẽ không can thiệp vào những thuộc địa hiện thời của các nước Âu châu mà cũng sẽ không can dự vào nội bộ các nước châu Âu. Học thuyết này được đưa ra vào lúc hầu hết các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại châu Mỹ Latin đã giành được độc lập, ngoại trừ Cuba và Puerto Rico.
* Chính Tổng thống Mỹ F.D.Roosevelt cũng khẳng định rằng việc giúp đỡ Liên Xô cũng chính là vì lợi ích của Mỹ, bởi nếu Liên Xô thất bại thì chính Mỹ sẽ là mục tiêu kế tiếp. Roosevelt so sánh: "Vòi cứu hỏa nên được trao cho một người hàng xóm, để ngăn chặn lửa cháy lan đến nhà riêng của chính mình". Thực tế viện trợ của Mỹ không phải là miễn phí, bản thân tên gọi của hình thức viện trợ ấy ("Lend-lease", nghĩa là "cho vay - cho thuê") cũng đã bộc lộ phần nào lợi nhuận mà nước Mỹ thu được.