Điều trị sẹo rỗ là một thách thức đòi hỏi phải sử dụng nhiều phương pháp. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp điều trị sẹo dựa vào loại và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Trong một nghiên cứu thử nghiệm vào năm 1995, người ta đã báo cáo rằng bóc tách đáy sẹo bằng cách sử dụng đầu kim chuyên dụng giải phóng các đáy sẹo có thể được xem là một phương pháp tiềm năng trong điều trị sẹo rỗ.
Phương pháp này được đánh giá là một phương pháp an toàn, dễ thực hiện, và hiệu quả đối với các vết sẹo sau mụn. Tuy nhiên, bóc tách đáy sẹo bằng kim có thể gây bầm tím và đau nhức, đôi khi có thể tạo thành tụ máu, nhiễm trùng hoặc đau kéo dài.
Với việc phát triển vượt bậc của công nghệ làm đẹp, một nghiên cứu đã được công bố vào năm 2015 về hiệu quả của việc bóc tách đáy sẹo bằng một dụng cụ mới - ống Cannula với hy vọng vẫn mang lại hiệu quả nhưng giảm bớt tác dụng phụ so với bóc tách đáy sẹo thông thường. Vậy bóc tách đáy sẹo bằng Cannula là gì và hiệu quả như thế nào? Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về kỹ thuật này trong bài viết dưới đây.
Vai trò của bóc tách đáy sẹo?
Bóc tách đáy sẹo là một can thiệp đơn giản và mang lại hiệu quả đối với các vết sẹo rỗ hình lượn sóng. Bác sĩ Da liễu dùng đầu kim chuyên dụng đưa vào dưới da nơi có vết sẹo để nới lỏng và phá vỡ các sợi xơ kết nối vết sẹo với mô bên dưới. Quá trình này không chỉ giúp nâng vết sẹo lõm mà còn cắt các sợi xơ gây co kéo bề mặt da từ đó giúp làm giảm sự xuất hiện của vết sẹo.
Bóc tách đáy sẹo có thể là một phương pháp độc lập trong điều trị sẹo rỗ, ví dụ như ở một nghiên cứu được công bố năm 2005, người ta đã điều trị sẹo rỗ cho 40 người bằng phương pháp bóc tách đáy sẹo, khoảng 90% người bệnh đều cho biết tỷ lệ cải thiện mức độ sẹo khoảng 50 - 60%.
Ở một nghiên cứu khác vào năm 2019, trên 45 người bị sẹo rỗ khi kết hợp bóc tách đáy sẹo với lăn kim mỗi 4 tuần trong 4 lần, sau 3 tháng điều trị có sự cải thiện ở 95,6% người trong đó 24,4% có sự cải thiện tuyệt vời. Trên quan điểm của người được điều trị thì 17,8 % người có sự cải thiện từ 75 - 100%, 24,4% người có cải thiện từ 50 - 74% và 55,5% người cải thiện từ 25 - 49%.
Bóc tách đáy sẹo bằng Cannula là gì?
Bóc tách đáy sẹo bằng Cannula nguyên lý cũng giống bóc tách đáy sẹo thông thường nhưng thay vì dùng kim có các cạnh sắc để tách các dải xơ thì người ta lại dùng ống Cannula. Ống Cannula được đưa qua lỗ (lỗ này được tạo nên bằng cách đâm kim qua da) đến ngay dưới da, với nhiệm vụ là tách các dải sợi xơ đang kéo sẹo xuống, làm bong các đáy sẹo.
Phương pháp này giúp cải thiện sẹo rỗ hình lượn sóng. Trước đó Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bệnh nhân và chọn kích thước ống Cannula phù hợp nhất. Ống Cannula tương đối cùn do đó chúng ít có khả năng làm hỏng mạch máu và dây thần kinh.
Hiệu quả của bóc tách đáy sẹo bằng Cannula?
Trong một nghiên cứu thử nghiệm vào năm 2015, người ta đã chọn 8 người phụ nữ có độ tuổi trung bình là 31,2 tuổi bị sẹo rỗ hình lượn sóng do mụn điều trị bằng phương pháp bóc tách đáy sẹo bằng ống Cannula kích thước 18G.
Kết quả của việc điều trị này được đánh giá bởi 3 Bác sĩ Da liễu, mức độ cải thiện tốt khoảng 88%. Sự hài lòng của bệnh nhân được ước tính khi kết thúc quá trình điều trị, kết quả là cả 8 người phụ nữ đều hài lòng. Có sự giảm hình thành sẹo mới ở những người bị mụn trứng cá nhẹ trong quá trình điều trị. Cả 8 người đều có cải thiện đáng kể về bề mặt, mức độ sâu của sẹo và sự hình thành sau mụn của sẹo.
Đây có phải là một biện pháp an toàn?
Cũng trong nghiên cứu ở trên, sưng nhẹ và các vết phồng trên mặt bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn sau 2 tuần điều trị, không phát hiện nốt sưng tấy, bầm tím hay vết thương trên da. Không có bằng chứng về tăng sắc tố hoặc sẹo phì đại. Bệnh nhân được theo dõi trong 3 tháng, không thấy bất kỳ tác dụng phụ nào hoặc tái diễn trong 3 tháng này.
Cần tiến hành bóc tách đáy sẹo bằng Cannula bao nhiêu lần?
Bóc tách đáy sẹo bằng Cannula có thể phải lặp lại các vùng khác nhau trên khuôn mặt và mỗi vùng có thể được điều trị một hoặc hai lần, hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và mức độ của sẹo. Một bệnh nhân trung bình có thể cần từ 2 đến 3 lần điều trị.
Thời gian hồi phục sau khi bóc tách đáy sẹo bằng Cannula?
Khi bóc tách đáy sẹo bằng Cannula, nếu xuất hiện vết bầm nhỏ, có thể mất từ 2 đến 7 ngày để biến mất. Hầu hết mọi người sẽ trở lại làm việc vào ngay ngày hôm sau khi điều trị những vùng nhỏ. Khi cần gây tê cục bộ hoặc thực hiện trên những khu vực lớn hơn (chẳng hạn như má), khuôn mặt có thể sưng trong 1 hoặc 2 ngày và cần 1 tuần để biến mất. Hầu hết mọi người sẽ trở lại làm việc trong thời gian 2 ngày khi được gây tê.
Những phương pháp điều trị có thể phối hợp với bóc tách đáy sẹo bằng Cannula
Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà đôi khi chỉ cần dùng phương pháp bóc tách đáy sẹo bằng Cannula để điều trị hoặc có thể là một phần của kế hoạch điều trị bao gồm các phương pháp điều trị khác như TCA Cross, tái tạo bề mặt bằng laser và RF microneedling có thể được sử dụng để cải thiện các vết sẹo khác và giúp da mịn màng hơn (thực hiện sau 3 tuần bóc tách đáy sẹo).
Có thể thực hiện bóc tách đáy sẹo bằng Cannula khi đang điều trị bằng isotretinoin không?
Ở một số trường hợp nhất định, có thể tiến hành bóc tách đáy sẹo bằng Cannula trong khi đang dùng isotretinoin. Nhưng đa số thì bóc tách đáy sẹo nên được thực hiện sau một vài tháng khi đã ngưng isotretinoin.
So sánh với bóc tách đáy sẹo thông thường
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017 trên 28 người (14 nữ và 14 nam) bị sẹo mụn để so sánh giữa bóc tách đáy sẹo thông thường (bóc tách đáy sẹo bằng kim nokor) và bóc tách đáy sẹo bằng ống Cannula.
Mức độ cải thiện sẹo giữa hai nhóm tại thời điểm 2 và 6 tháng sau điều trị là như nhau.
Về tác dụng phụ thì mức độ nghiêm trọng của cơn đau trong quá trình điều trị thấp hơn đáng kể ở nhóm dùng Cannula. Số lượng các điểm đâm kim qua da trong nhóm thông thường nhiều hơn. Chảy máu ở nhóm thông thường xảy ra 8 trường hợp (28,6%), trong khi ở nhóm bằng Cannula có 2 trường hợp (7,1%).
Các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng và tiết dịch không được thấy trong thời gian theo dõi ở bất kỳ nhóm nào. Ở nhóm thông thường, các biến chứng như tăng sắc tố, tụ máu, sẹo, nốt dưới da có xảy ra nhưng ở nhóm bằng ống Cannula thì không, tuy nhiên lại không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Vào ngày thứ 3 và thứ 7, vết bầm tím được nhìn thấy ở cả hai người, nhưng biến chứng này lớn hơn ở nhóm thông thường.
Sự hài lòng của người bệnh dựa theo mức độ cải thiện sẹo và biến chứng, không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm trong 2 tuần đầu tiên, nhưng sau tháng đầu tiên và tháng thứ 2 điều trị, ở nhóm dùng Cannula có sự hài lòng hơn so với nhóm thông thường.
Tóm lại, bóc tách đáy sẹo bằng Cannula là phương pháp dễ thực hiện và an toàn, có thể thay thế cho phương pháp bóc tách sẹo bằng kim trong điều trị sẹo rỗ. Mặc dù cả hai phương pháp bóc tách đáy sẹo bằng kim và bóc tách đáy sẹo bằng Cannula đều chứng minh có tỷ lệ cải thiện sẹo như nhau nhưng có vẻ như Cannula vì là ống cùn nên ít xâm lấn hơn, ít biến chứng hơn nên khiến bệnh nhân hài lòng hơn.
Tại Phòng khám Doctor Acnes, với đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa Da liễu trực tiếp thực hiện bóc tách đáy sẹo cùng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, chúng tôi tự tin mang đến cho bạn liệu trình bóc tách đáy sẹo an toàn và hiệu quả; giúp bạn nhanh chóng vượt qua nỗi lo lắng về sẹo rỗ.
Tài liệu tham khảo
- Murad Alam, Nayomi Omura, Michael S. Kaminer. “Subcision for acne scarring: technique and outcomes in 40 patients”. Dermatologic surgery : official publication for American Society for Dermatologic Surgery [et al.] 31,3 (2005): 310-7; discussion 317
- Bhargava S, Kumar U, Varma K. “Subcision and Microneedling as an Inexpensive and Safe Combination to Treat Atrophic Acne Scars in Dark Skin: A Prospective Study of 45 Patients at a Tertiary Care Center”. J Clin Aesthet Dermatol. 2019 Aug;12(8):18-22
- Mohammadali Nilforoushzadeh, Elahe Lotfi, Elmira Nickkholgh, Bahareh Salehi, Marjan Shokrani. “Can Subcision with the Cannula be an Acceptable Alternative Method in Treatment of Acne Scars?”. Med Arch. 2015 Dec; 69(6): 384-386
- Asilian, Ali et al. “Comparison of two methods of subcision Nokor and blunt blade in acne scars treatment”. Journal of cosmetic dermatology vol. 18,6 (2019): 1788-1793